Hướng đến phát triển bền vững: Tạo chuyển biến từ nhận thức đến hành động

(BĐT) - Hơn 600 đại biểu là đại diện các bộ, ngành, các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán, các chuyên gia, cùng đông đảo cộng đồng doanh nghiệp (DN) tham gia Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững năm 2018 cho thấy sức nóng của vấn đề phát triển bền vững (PTBV) - yếu tố quyết định sự sống còn, sức cạnh tranh của quốc gia và DN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ cam kết tạo cơ hội học tập những tri thức mới cho mọi người dân. Ảnh: Thanh Hải
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ cam kết tạo cơ hội học tập những tri thức mới cho mọi người dân. Ảnh: Thanh Hải

Nhiều kết quả tích cực

Báo cáo về tình hình cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, Báo cáo Việt Nam 2035 là báo cáo thứ hai trên thế giới phối hợp giữa Chính phủ và Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB) với khát vọng của Việt Nam là thịnh vượng, công bằng, dân chủ với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao. Những khuyến nghị của các tổ chức quốc tế và cộng đồng DN đã được Chính phủ tiếp thu tích cực, lồng ghép vào Nghị quyết, chiến lược. Trong đó, 142 khuyến nghị đã được đưa vào các văn bản chính sách. Chương trình Nghị sự 2030 vì sự PTBV cũng đã được Thủ tướng Chính phủ cụ thể hóa trong Kế hoạch hành động quốc gia với 17 mục tiêu PTBV của Việt Nam đến năm 2030 gồm 115 mục tiêu cụ thể, phản ánh 150/160 mục tiêu cụ thể của toàn cầu. Hệ thống chỉ tiêu giám sát, đánh giá đang được xây dựng.

Trong những năm gần đây, theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2017, dân số Việt Nam là 93 triệu người, xếp thứ 14 trên thế giới; quy mô nền kinh tế khoảng 220 tỷ USD, xếp thứ 54 trên thế giới; thu nhập bình quân đầu người là 2.300 USD, xếp thứ 134; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,61% - cao nhất trong 10 năm gần đây. Trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo, Chính phủ điện tử..., nhiều chỉ số có sự cải thiện đáng kể. 

Trong cuộc đua marathon giữa các nền kinh tế

Chia sẻ quan điểm về việc có hài lòng hay không với những kết quả đạt được thời gian qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Hài lòng và không hài lòng đan xen, vừa mừng, vừa lo. Mặc dù hài lòng với những kết quả đạt được về kinh tế, chỉ số xã hội sau 30 năm đổi mới, nhưng vẫn lo ngại về vấn đề PTBV và năng lực cạnh tranh quốc gia, đây là cuộc đua marathon giữa các nền kinh tế; việc thực hiện chưa được rốt ráo, trên nóng dưới lạnh...”.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh: “Hiện đã xác định được tầm nhìn, mục tiêu phấn đấu và bước đi. Vấn đề quan trọng bây giờ là tổ chức thực hiện. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc khẩn trương, quyết liệt và trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức xã hội, nghề nghiệp, cộng đồng DN, cũng như cần có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh”.

Đứng trên bình diện toàn cầu, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, có 4 xu hướng lớn đang gây ảnh hưởng đến Việt Nam, gồm: hình thái thương mại mới, nền kinh tế tri thức, biến đổi khí hậu, và già hóa dân số. Để một quốc gia vững vàng trước các xu hướng lớn, theo ông Ousmane Dione, Việt Nam cần phát triển và sử dụng một cách đầy đủ, công bằng và hiệu quả 4 loại vốn rất quan trọng, gồm: thể chế, con người, sản xuất hoặc vật chất do con người tạo ra và vốn tự nhiên. Ước tính từ 141 quốc gia cho thấy vốn con người chiếm tỷ trọng lớn về sự giàu có của một quốc gia.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khả năng chống chịu của nền kinh tế hiện tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Do đó, cộng đồng quốc tế có thể hoàn toàn yên tâm.

Theo Thủ tướng, Việt Nam luôn nhất quán với chủ trương phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, PTBV. Đây là mục tiêu bao trùm, không chỉ của một bộ, ngành nào, không chỉ quan tâm đến kinh tế mà còn cả xã hội, thống nhất hành động trong tất cả các cấp, các ngành. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong Kế hoạch hành động thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh với mục tiêu top 4 của khu vực ASEAN - nền tảng tham gia vào khối OECD (Tổ chức Hợp tác  kinh tế và Phát triển).

Thủ tướng cũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cơ hội to lớn, nếu không chủ động nắm bắt thì chúng ta sẽ đứng trước những nguy cơ tụt hậu. Do đó, các bộ ngành, địa phương, DN và toàn xã hội cần phải chủ động tiếp cận, chuẩn bị những kỹ năng cần thiết. Chính phủ cam kết tạo cơ hội học tập những tri thức mới cho mọi người dân, bảo đảm không ai bị bỏ lại, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng này.   

Chuyên đề