Hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 5610/BKHĐT-TH gửi các bộ, ngành trung ương và địa phương khung hướng dẫn xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.
Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hội năm 2018. Ảnh minh họa: TTXVN
Xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hội năm 2018. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo đó, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 căn cứ trên đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và mục tiêu tổng quát, các nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 quy định tại Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 5/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ. 

Đối với các chỉ tiêu xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 phải phù hợp với hệ thống chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; trong đó lưu ý chỉ đưa ra các chỉ tiêu chủ yếu, có phương pháp tính toán rõ ràng, có khả năng thu thập được, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của ngành, địa phương và quốc gia.

Dự kiến các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 cụ thể: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,4 - 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 9 - 10% so với năm 2017; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33,5 - 35% GDP...

Về cân đối thu, chi ngân sách nhà nước: Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước dự kiến là 1.356,8 nghìn tỷ đồng. Tổng chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 1.551 nghìn tỷ đồng. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến hơn 194 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,5% GDP).

Về cân đối vốn đầu tư phát triển, dự kiến khả năng huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 1.841 - 1.945 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 33,5 - 35% GDP.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2018 dự kiến tổng vốn đăng ký là 26 - 27 tỷ USD, dự kiến thực hiện khoảng 19 - 19,5 tỷ USD; trong đó, vốn thực hiện đầu tư trực tiếp khoảng 16,5 tỷ USD và vốn đầu tư qua góp vốn, mua cổ phần khoảng 2,5 - 3 tỷ USD.

Dự kiến ký kết hiệp định vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài năm 2018 khoảng 3,7 - 4 tỷ USD, giải ngân của nguồn dự kiến khoảng 4,5 tỷ USD. Xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 218 - 220 tỷ USD, tăng khoảng 9 - 10% so với năm 2017; Nhập khẩu khoảng 224,5 – 226,5 tỷ USD, tăng khoảng 9,5 - 10,5%. Nhập siêu ước khoảng 5 tỷ USD.

Với các mục tiêu trên, nhiệm vụ định hướng phát triển ngành, lĩnh vực chủ yếu trong năm 2018 là tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát; đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế một cách đồng bộ, toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với tăng chất lượng, hiệu quả, nâng cao năng suất lao động; tiếp tục thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020…

Về nội dung xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, các bộ, ngành Trung ương và địa phương căn cứ vào Chỉ thị số 29/CT-TTg và Khung hướng dẫn kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018.

Trong đó, lưu ý một số nội dung như: đánh giá và ước tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của ngành, địa phương, bao gồm: Tình hình triển khai thực hiện kế hoạch; Các kết quả đạt được; tồn tại và khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm, cập nhật tình hình đến thời điểm báo cáo; phân tích nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế; ước cả năm 2017 và đề xuất các giải pháp thực hiện trong những tháng cuối năm.

Dự kiến trong tháng 8/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức làm việc để thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của các bộ, ngành trung ương và địa phương và tiến hành tổng hợp kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của cả nước.

Chuyên đề