Họp Chính phủ tháng 5: Dành trọn một ngày bàn về xây dựng thể chế

Theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lần đầu tiên phiên họp thường kỳ của Chính phủ thảo luận về vấn đề hoàn thiện thể chế trước khi thảo luận các vấn đề kinh tế-xã hội.

Thủ tướng đánh giá cao tinh thần rất thẳng thắn trong báo cáo của VPCP, kèm theo rõ ràng danh sách các bộ còn nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành các luật. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Phát biểu mở đầu gợi ý các thành viên Chính phủ thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là hai nội dung lớn của phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2016. Chính phủ sẽ dành trọn một ngày cho vấn đề xây dựng thể chế, nội dung về kinh tế-xã hội sẽ được thảo luận trong ngày thứ hai của phiên họp.

Thủ tướng nhắc lại quan điểm đã được Chính phủ xác định tại phiên họp thường kỳ tháng 4, đó là xây dựng Chính phủ thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, một Chính phủ hành động, kiến tạo, liêm chính, phục vụ phát triển, phục vụ nhân dân để nhân dân có cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn, an toàn hơn. Trong đó, tập trung giải quyết các điểm nghẽn về thể chế, pháp luật.

“Một câu hỏi lớn đặt ra là vì sao chúng ta vẫn chưa phát triển mạnh? Một nguyên nhân rất quan trọng là vấn đề cải cách hành chính, bộ máy, thủ tục cho người dân và doanh nghiệp. Chúng ta chưa tạo môi trường tốt cho sự phát triển, cái chính là pháp luật còn ràng buộc, tính minh bạch hạn chế, rồi vấn đề đạo đức công vụ, trách nhiệm của người đứng đầu, bộ máy cán bộ công chức nơi này, nơi khác…”, Thủ tướng nhận định.

“Do đó, tại phiên họp này, chúng tôi muốn nhấn mạnh vai trò của thể chế. Lần đầu tiên khi thảo luận tại phiên họp Chính phủ, chúng ta đặt vấn đề thể chế lên trước vấn đề kinh tế-xã hội, kiểm điểm xem Chính phủ còn nợ gì về thể chế, hướng khắc phục ra sao, còn vướng mắc gì cần tháo gỡ, đặc biệt là trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Đồng thời thảo luận thông qua các dự ánluật, pháp lệnh cụ thể”, Thủ tướng đề nghị.

Báo cáo về vấn đề tình hình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng cho biết “tình hình rất đáng lo ngại”.

Tính đến ngày 31/5, theo thống kê, Chính phủ cần phải ban hành 51 văn bản hướng dẫn, nhưng mới ban hành được 14 văn bản, còn 37 văn bản chưa được ban hành. Trong đó 11 văn bản đã xây dựng xong dự thảo và đang trong quy trình xử lý, số văn bản chưa trình là 26.

Ngoài ra, còn 91 thông tư và 13 thông tư liên tịch chưa được ban hành. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các vấn đề liên tịch thuộc thẩm quyền của nhiều bộ phải được ban hành trong nghị định của Chính phủ, tức là tăng thêm 13 dự thảo nghị định cần được xây dựng, ban hành.

Về các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, cần ban hành tổng cộng 49 nghị định. Trong đó, tới ngày 31/5 đã trình Chính phủ 35 nghị định, chưa trình 14 nghị định, trong đó đã thẩm định 10 dự thảo nghị định và chưa thẩm định 4 dự thảo.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cũng chỉ rõ các bộ còn “nợ” và số lượng văn bản nợ.

Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 5/2016

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, 17 bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, về cơ bản đã xác định số lượng nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều thông tư vào một nghị định như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích hợp 38 thông tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo tích hợp 23 thông tư, Bộ Công Thương tích hợp 23 thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 thông tư.

Đáng lưu ý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho biết, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã hướng dẫn nhưng nhiều bộ còn lúng túng trong phân biệt các điều kiện kinh doanh và quy trình, quy chuẩn kỹ thuật, nên chậm xác định rõ các điều kiện phải nâng cấp từ thông tư lên nghị định.

“Tình trạng nợ đọng văn bản đã kéo dài nhiều năm, nguyên nhân chính là sự thiếu chủ động của các bộ”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng khẳng định. VPCP đề nghị các bộ phối hợp sát với Bộ KH&ĐT và VPCP để bảo đảm tiến độ xây dựng các văn bản bản này.

Lắng nghe báo cáo của VPCP, Thủ tướng cho biết ông “đánh giá cao tinh thần rất thẳng thắn của báo cáo, kèm theo rõ ràng danh sách các bộ còn nợ đọng”.

“Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà Chính phủ cần tập trung thực hiện với tư cách một Chính phủ kiến tạo. Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn gây hậu quả rất xấu trong xã hội, chưa kể tới yêu cầu đổi mới, cải cách trong các nghị định. Hôm nay chúng ta công khai vấn đề này để rút kinh nghiệm”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng các bộ còn nợ đọng văn bản chưa trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, phải báo cáo giải trình nghiêm túc trước Chính phủ.

Chuyên đề