Hội thảo trí tuệ nhân tạo 2018: Làm sao định vị Việt Nam trên bản đồ AI thế giới

(BĐT) - Trong khuôn khổ Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018, sáng ngày 21/8, Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI Việt Nam 2018) đã được tổ chức với sự tham dự của nhiều chuyên gia người Việt trong lĩnh vực AI đang làm việc tại các công ty công nghệ, tổ chức, đại học hàng đầu thế giới. 
Quang cảnh Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI Việt Nam 2018). Ảnh: Nguyệt Minh
Quang cảnh Hội thảo Trí tuệ nhân tạo (AI Việt Nam 2018). Ảnh: Nguyệt Minh

Tham dự hội thảo có rất nhiều gương mặt người Việt tài năng, thành công trong lĩnh vực AI trên thế giới, như TS. Lê Viết Quốc, Google Brain (Mỹ); TS. Bùi Hải Hưng, Google Deepmind (Mỹ); GS.TS. Vũ Hà Văn, Đại học tổng hợp Yale (Mỹ); TS. Đào Ngọc Thành, CEO & FOUNDER của Bap - Blockchain; TS. Đỗ Bình Minh, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ; PGS.TS. Nguyễn Lê Minh, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản…

Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy, có thể coi đây là một "Hội nghị Diên Hồng" để giải quyết bài toán AI cho Việt Nam. Với sự tham gia của rất nhiều chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực AI đang làm việc tại các nước có công nghệ phát triển hàng đầu thế giới, sự kiện đã kết nối, hội tụ, chia sẻ và định hướng nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ và triển khai ứng dụng về AI cho Việt Nam, của Việt Nam và tại Việt Nam; tạo dựng mạng lưới kết nối các trí thức người Việt tại các quốc gia với đội ngũ làm khoa học, công nghệ ở trong nước để có thể tham gia góp phần xây dựng các định hướng nghiên cứu, định hướng ứng dụng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, hơn lúc nào hết, những người làm AI đang nhận được sự ủng hộ to lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bộ, ngành và các tập đoàn lớn. Năm 2018 có thể nói là năm mà cộng đồng AI Việt Nam có cơ hội thường xuyên gặp gỡ, chia sẻ về AI từ những ý tưởng ban đầu, đến nay AI đã mở rộng hơn, AI hướng đến cuộc sống, hướng đến ứng dụng và có bước phát triển vượt bậc tại Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có tận dụng được để vươn lên trở thành quốc gia “đi đầu” hay không đang là bài toán cần lời giải.

Chia sẻ này của lãnh đạo Bộ KH&CN cũng là trăn trở của rất nhiều chuyên gia AI người Việt đã thành danh tại nhiều nước phát triển. Tại Lễ công bố Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày 19/8/2018, TS. Bùi Hải Hưng - nhà nghiên cứu của Google Deepmind (Mỹ) cho hay, số người Việt Nam trên thế giới hoạt động trong lĩnh vực AI không phải là nhỏ, trong đó có những chuyên gia hàng đầu thế giới tại các môi trường hàng đầu như Google, Facebook, Microsoft hay những giáo sư tại các trường đại học danh tiếng trên thế giới. Đặc biệt, có những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực này đã tương đối thành công. “Dù chúng ta đang có những người mang dòng máu Việt là chuyên gia hàng đầu về AI trên thế giới, nhưng Việt Nam vẫn chưa có tiếng nói, dấu mốc trên bản đồ AI thế giới”, TS. Hưng chia sẻ.

Trong nhiều hoạt động của Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam, cũng như tại “Hội nghị Diên Hồng” ngày hôm nay, các chuyên gia, nhà khoa học đã chia sẻ về nhiều giải pháp để ứng dụng các thành tựu mới nhất trong lĩnh vực AI vào thực tiễn tại Việt Nam; hay những cơ hội mà AI mang lại để Việt Nam bứt phá trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Và làm sao để những chuyên gia Việt trong lĩnh vực AI đang làm việc ở nước ngoài có thể liên kết hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ trong nước.

Tiến sĩ Lê Viết Quốc hiện đang làm việc tại Google Brain - một trong những dự án về AI lớn nhất của Google, nổi tiếng với một trong những sản phẩm rất được quen thuộc tại Việt Nam là "Google dịch" cho rằng, Việt Nam nên đầu tư mạnh vào 3 mảng chính đó là đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nguồn dữ liệu mở và tạo ra mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam với nguồn trí thức, cộng đồng thế giới.

Thông qua Hội thảo AI Việt Nam 2018, các kế hoạch hợp tác cụ thể đã bước đầu được định hình và các nhân tài người Việt trên thế giới trong lĩnh vực AI đang rất hứng khởi về những dự định kết nối phát triển lĩnh vực AI trong nước trong thời gian tới.

Chuyên đề