Hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng

(BĐT) - Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2016, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (UBTP) khẳng định, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cho thấy, công tác PCTN vẫn chưa đạt được mục tiêu “từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng”. 
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 trước Quốc hội ngày 28/10. Ảnh: Trần Tuyết
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016 trước Quốc hội ngày 28/10. Ảnh: Trần Tuyết

Nhiều tồn tại, hạn chế, kiến nghị đã được UBTP nêu từ những năm trước nhưng vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Đòi hỏi phải hoàn thiện thể chế

Báo cáo công tác PCTN năm 2016 của Chính phủ do Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu trình bày trước Quốc hội cho biết, qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo, toàn ngành đã triển khai 6.732 cuộc thanh tra hành chính và 274.334 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra phát hiện vi phạm 135.379 tỷ đồng, 14.613 ha đất; kiến nghị thu hồi 53.282 tỷ đồng và 6.551 ha đất (đã thu hồi 11.646 tỷ đồng, 739 ha đất); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 82.096 tỷ đồng, 7.310 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính nhiều tập thể, cá nhân; ban hành 138.953 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân.

Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 306 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 20.432 tỷ đồng. Kết quả thực hiện kiến nghị xử lý tài chính năm 2014 đối với niên độ ngân sách năm 2013 thực hiện đến 15/8/2016 là 14.733 tỷ đồng (đạt 64,3% tổng số kiến nghị).

Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành trong việc ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần PCTN, UBTP đánh giá, trong một thời gian ngắn, số lượng văn bản ban hành khá lớn và chất lượng đã được nâng lên một bước.

Trước thực trạng công tác PCTN còn nhiều khó khăn, phức tạp và kéo dài nhiều năm, UBTP đồng tình cao với Chính phủ về chủ trương quyết tâm hoàn thiện thể chế để loại bỏ các quy định thiếu minh bạch, gỡ bỏ rào cản, giải phóng nguồn lực, hướng tới xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động và liêm chính.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Đoàn Hòa Bình) nhận định, báo cáo của Chính phủ đã chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác PCTN. “Điều này thấy được quyết tâm rất cao của Chính phủ là nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục công tác này trong thời gian tới” – đại biểu Sinh nhấn mạnh. 

Siết lại các kẽ hở thể chế

Lý giải về những nguyên nhân khiến dư luận ngày càng bức xúc với hành vi tham nhũng, đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cứ vụ án sau thì tính chất, mức độ, phạm vi tham nhũng lại lớn hơn, thủ đoạn tinh vi hơn vụ án trước. Điều này đang đe dọa đến niềm tin của nhân dân, do đó Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần tập trung công khai, minh bạch hoạt động PCTN, siết lại các kẽ hở thể chế, chính sách, quyết liệt trong đấu tranh PCTN trên mọi lĩnh vực.

 “Quyết tâm chính trị có rồi, nhân dân đồng tình ủng hộ, bộ máy cán bộ có đầy đủ, nhưng trong PCTN vẫn có cái gì đó chưa ổn. Phải chăng là do khâu tổ chức thực hiện?”, đại biểu tỉnh Thanh Hóa băn khoăn đặt câu hỏi. Trả lời cho chính băn khoăn của mình, đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng, đó là do việc thực hiện một số biện pháp PCTN còn hình thức và chưa hiệu quả, việc tự phát hiện tham nhũng vẫn là khâu yếu.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) nêu quan điểm: “Chúng ta có đầy đủ thể chế, công tác cán bộ, tổ chức bộ máy rất mạnh mẽ, chặt chẽ, Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo nhưng dường như tình trạng tham nhũng vẫn hồn nhiên “nhảy múa” trên “lưỡi gươm” của pháp luật”. Phải chăng đang có tình trạng tham nhũng chồng tham nhũng, cơ quan chống tham nhũng có khả năng đi bảo vệ, bao che cho tham nhũng?”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt câu hỏi nghi vấn, đồng thời nhấn mạnh đến trách nhiệm của cơ quan phòng, chống tham nhũng trước thực trạng này.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP.HCM) cho rằng, hiện nay vấn đề căn cơ nhất trong PCTN vẫn chưa được giải quyết như mong đợi, chưa đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của nhân dân. Cơ chế xin - cho đang là nguyên nhân căn bản khiến quản lý nhà nước thiếu minh bạch, thiếu công khai và là mảnh đất màu mỡ để trục lợi về chính sách. Cơ chế này cũng đang làm khó người dân và doanh nghiệp.

Chuyên đề