Hoàn thiện pháp luật về đầu tư, kinh doanh

(BĐT) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) lấy ý kiến hoàn thiện. Việc tiếp tục hoàn thiện 2 đạo luật này được kỳ vọng góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng cho mọi người dân, DN.
Việc thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường. Ảnh: Nhã Chi
Việc thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường. Ảnh: Nhã Chi

Tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi

Bộ KH&ĐT cho biết, việc thi hành Luật Đầu tư, Luật DN thời gian qua đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng cho DN.

Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật Đầu tư và Luật DN thời gian qua đã bộc lộ một số điểm bất cập cần khắc phục. Nhấn mạnh yêu cầu cần thiết cần sửa đổi, bổ sung các luật này, Bộ KH&ĐT đưa ra 3 lý do chính.

Đầu tiên là, việc tiếp tục rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh được xác định là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục nhằm xóa bỏ rào cản trong hoạt động đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi cho việc gia nhập thị trường của người dân và DN.

Thêm vào đó, đây là hai luật có quy mô và mức độ cải cách lớn trong nhiều ngành, lĩnh vực và được triển khai trong bối cảnh một số luật khác được ban hành theo cách tiếp cận khác nhau nên quá trình thực hiện đã không tránh khỏi một số vướng mắc, phát sinh từ sự thiếu đồng bộ về phạm vi điều chỉnh giữa các luật liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Theo Vụ Pháp chế thuộc Bộ KH&ĐT, thực tế cho thấy, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường và một số luật chuyên ngành khác… cũng điều chỉnh hoạt động đầu tư với phạm vi và mức độ khác nhau, nhưng chưa có sự phân định rõ ràng về phạm vi điều chỉnh, dẫn đến khó khăn trong việc phân định hoạt động đầu tư được điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư và hoạt động đầu tư thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật nêu trên.

Lý do lớn thứ 3 là, mặc dù đã có nhiều cải cách theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh nhưng một số quy định của Luật Đầu tư và Luật DN còn thiếu cụ thể, chưa thật sự bảo đảm tính khả thi. 

Tiếp tục cắt giảm mạnh chi phí cho doanh nghiệp

Bảo đảm thi hành đầy đủ, nhất quán những cải cách của 2 luật này gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP (nay là Nghị quyết số 02/NQ-CP) về thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cùng các nghị quyết về phát triển doanh nghiệp, cắt giảm chi phí cho DN, Dự thảo Luật đề xuất giải pháp tiếp tục cắt giảm mạnh chi phí cho DN.

Cụ thể, với Luật Đầu tư, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 31 quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo hướng áp dụng thống nhất thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của luật này đối với các dự án xây dựng nhà ở và đô thị để tránh trùng lặp về thẩm quyền, thủ tục quyết định/chấp thuận đầu tư dự án nhà ở, đô thị theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật nhà ở, đô thị. Đồng thời, loại bỏ một số dự án đầu tư thuộc diện phải trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định tại Điều 31.

Đối với Phụ lục về Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, cơ quan xây dựng Luật đề xuất tiếp tục sửa đổi Phụ lục 4 Luật Đầu tư với việc bãi bỏ 26 ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không phù hợp với mục đích quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư. Dự thảo Luật cũng đề xuất hoàn thiện cơ chế phân cấp, phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương trong quản lý hoạt động đầu tư, kinh doanh ở trong nước và đầu tư ra nước ngoài.

Với Luật DN, dự kiến sửa đổi Điều 3 để áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đăng ký DN theo Luật DN. Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của DN thì áp dụng quy định của luật đó, trừ trình tự, thủ tục đăng ký DN. Theo hướng sửa đổi này, DN sẽ tiết kiệm thêm cả tiền bạc và thời gian, góp phần cải thiện đáng kể Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam trong Bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới.

Bên cạnh đó, nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật, cơ quan xây dựng Luật cũng đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định tại các luật liên quan.

Theo kế hoạch, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật DN sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 và thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Chuyên đề