Hóa giải sức ép đang dồn lên tăng trưởng

(BĐT) - Một số yếu tố có nguy cơ gây khó cho nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong nửa cuối năm nay. Song, sự phối hợp hiệu quả giữa các chính sách điều hành kinh tế sẽ làm giảm áp lực này, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Các chỉ số phản ánh chân thực

Kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm ghi nhận những kết quả khả quan. Đáng chú ý, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng ở mức thấp nhất trong 3 năm qua, tạo dư địa cho việc kiềm chế lạm phát cả năm. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cũng có bước tiến đáng kể, đạt 6,79% trong quý I và dự báo khả quan trong quý II.

Về cán cân tài khóa, số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, 5 tháng đầu năm, ngân sách ước thặng dư 78 nghìn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm nay đạt mức tăng cao nhất trong 10 năm gần đây.

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khiến thu thuế xuất nhập khẩu tăng trưởng gấp 3 lần cùng kỳ các năm trước và chưa năm nào mới chỉ qua 5 tháng đã đạt gần 50% dự toán.

Bộ Tài chính cho biết, cơ quan này đã rất chặt chẽ trong quản lý điều hành ngân quỹ của Nhà nước, đồng thời tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xử lý dòng tiền của ngân quỹ, đảm bảo cho Ngân hàng Nhà nước có lượng tiền nhất định để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Trên thị trường tiền tệ, tăng trưởng tín dụng được giữ ở mức 5,07% tính đến ngày 21/5, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng 5,42% của cùng kỳ năm trước. Tỷ giá USD/VND được giữ ổn định với mức biến động khoảng 1% tính từ đầu năm đến nay nhờ các động thái điều chỉnh và can thiệp vào thị trường ngoại hối phù hợp.

Bình luận về thành quả kinh tế vĩ mô 5 tháng đầu năm, TS. Đặng Đức Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) cho rằng, những con số đó phản ánh chân thực diễn biến của nền kinh tế và khẳng định sự thành công của chính sách điều hành.

“Về CPI, dù giá xăng dầu và giá điện tăng nhưng trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng, mặt hàng lương thực, thực phẩm có tỷ trọng lớn lại có mức tăng rất thấp, thậm chí một số mặt hàng còn giảm giá. Góp phần trong việc kiểm soát chỉ số giá, chính sách tiền tệ đã được điều hành một cách chủ động và thận trọng. Bên cạnh đó, nội lực nền kinh tế cũng cho thấy có những chuyển biến tích cực. Những mặt được này góp phần bù đắp nhiều yếu tố bất lợi từ môi trường kinh tế trong và ngoài nước”, ông Đức Anh nhấn mạnh.

Lựa chọn niềm tin

Nền kinh tế sắp bước vào nửa cuối năm 2019, thông điệp từ Chính phủ cho thấy, chính sách kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục được điều hành một cách thận trọng và thiên về định hướng kiềm chế lạm phát, thắt chặt tiền tệ vì mục tiêu ổn định vĩ mô.

Đây là những yếu tố có thể gây sức ép lên nỗ lực giữ đà tăng trưởng để về đích 6,8% vào cuối năm nay. Do đó, bài toán được - mất giữa tăng trưởng và kiềm giữ lạm phát lại được đặt lên bàn cân.

Phân tích tương quan giữa lạm phát và tăng trưởng, TS. Đặng Đức Anh cho rằng, CPI vẫn còn nhiều yếu tố tiềm ẩn rủi ro và tăng trưởng chịu một số áp lực.

Về lạm phát, giá xăng dầu vẫn là một ẩn số với nhiều biến động khó lường, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn còn. Trong khi đó, từ nay đến cuối năm, lượng tiêu thụ điện dự báo sẽ tăng nên giá điện tăng chắc chắn có tác động đáng quan tâm. Biến động tỷ giá cũng sẽ chịu tác động từ nhiều biến số, bao gồm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và cán cân thương mại hàng hóa.

“Với những yếu tố nói trên, việc Chính phủ ưu tiên cho kiềm chế lạm phát là đích đáng. Ở góc khác của nền kinh tế, lãi suất trên thị trường khó có xu hướng giảm. Như vậy, sức ép với tăng trưởng là có thực”, ông Đức Anh nói.

Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, theo vị Phó Giám đốc NCIF, vẫn có nhiều yếu tố hỗ trợ tốt cho tăng trưởng kinh tế trong nửa còn lại của năm nay. Chẳng hạn, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao cùng với số vốn đáng kể đổ vào nền kinh tế, vốn FDI tiếp tục tăng, tổng mức bán lẻ tăng trưởng khả quan.

“Nhìn chung, sức mua và các động lực của tăng trưởng kinh tế chưa bị tác động tiêu cực đến mức đáng lo ngại, và mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,8% là có thể đạt được. Lựa chọn ổn định vĩ mô là phù hợp trong giai đoạn hiện nay để tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp, giới đầu tư và cả nền kinh tế. Đây sẽ là tiền đề tốt cho công tác điều hành trong thời gian tới”, ông Đức Anh nhấn mạnh.

Chuyên đề