Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần chính sách tương xứng thay vì tràn lan

(BĐT) - Sự ra đời của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được cho là rất cần thiết và là “cứu cánh” đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa; nhất là đối với nhiều doanh nghiệp đăng ký thành lập xong vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Sản xuất cột bê tông tại một doanh nghiệp của Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hòa Bình.
Sản xuất cột bê tông tại một doanh nghiệp của Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Hòa Bình.

Ông Hồ Sĩ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: “Chúng ta cần một cơ sở pháp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển”.

Sửa đổi để hoàn thiện

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm đến 97% tổng số doanh nghiệp cả nước và có vị trí quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, lâu nay, khu vực doanh nghiệp này còn chưa có được sự hỗ trợ đúng mức để đạt được sự phát triển tối ưu.

Cụ thể, hơn 80% chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động. Một số chương trình mới dừng ở mức ước tính tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia, thậm chí có chương trình không thể đánh giá được mức độ tham gia của các doanh nghiệp.

Việc hỗ trợ khối doanh nghiệp này đã bắt đầu triển khai từ năm 2001, với sự ra đời của Nghị định số 90/2001/NĐ-CP ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (đã được thay thế bởi Nghị định số 56/2009/NĐ-CP), nhưng hiệu quả thực sự chưa rõ rệt.

Những điều mà các doanh nghiệp cần là những quy định hỗ trợ cụ thể về: mặt bằng sản xuất, tham gia kế hoạch mua sắm, cung ứng dịch vụ công…nhưng nhiều chính sách mới chỉ dừng lại ở những quy định mang tính khuyến khích và chung chung, chưa có những quy định hỗ trợ rõ ràng.

Đây là lý do chỉ có 30% doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các chương trình hỗ trợ. Số còn lại hầu như không biết và không tiếp cận được chính sách này. Chính thực trạng này, khiến khối các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang rất mong chờ vào “cứu cánh” mới, đó là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ủy ban Kinh tế Quốc hội cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương hoàn thành dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến trước khi trình Quốc hội. Cục trưởng Hồ Sĩ Hùng cho biết, mục đích của Luật là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phù hợp với định hướng đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế. Với mục tiêu cụ thể là hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Cục trưởng Hồ Sỹ Hùng đã chỉ ra một số điểm sửa đổi so với dự thảo đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội Khóa XIV. Cụ thể, dự thảo đã tiếp thu theo hướng phù hợp với chủ trương của Đảng, nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng. Dự thảo Luật thiết kế hỗ trợ cơ bản cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa với 8 nội dung trọng điểm; trong đó tập trung hỗ trợ theo mục tiêu có chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ nền kinh tế.

Đặc biệt, dự thảo Luật được thiết kế theo hướng tuân thủ nguyên tắc thị trường, hỗ trợ có thời hạn giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ổn định sản xuất, kinh doanh về: tiếp cận tín dụng, hỗ trợ thuế, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo mục tiêu.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ hơn đối tượng, điều kiện, nội dung hỗ trợ; làm rõ chủ thể thực hiện hỗ trợ và giao trách nhiệm cho các bộ, ngành liên quan và địa phương, bảo đảm việc triển khai Luật.

“Tất cả những điểm sửa đổi này đều được cụ thể hóa tại Dự thảo Luật để đảm bảo quá trình thực thi thuận lợi và hiệu quả”, ông Hùng cho biết.

Phân tích kỹ cơ cấu của cộng đồng doanh nghiệp

Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo, ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, tên gọi của luật cần xem xét lại. Phải làm rõ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa là hỗ trợ một số vấn đề, qua vài hình thức, chứ không phải đứng ra hỗ trợ. Còn nếu Nhà nước đứng ra hỗ trợ toàn bộ thì lại trái với quy định pháp luật và nguyên tắc quốc tế, vì nguyên tắc thị trường là các doanh nghiệp phải được đối xử bình đẳng.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Phúc, chuyên gia thuộc Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về vấn đề kinh tế cho rằng, để luật mang lại hiệu quả nhất định, cần phân tích kỹ cơ cấu của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa để có các chính sách hỗ trợ tương xứng thay vì hỗ trợ tràn lan trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, và cũng cần đưa ra những điều kiện cụ thể cho các doanh nghiệp được hỗ trợ.

Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện trưởng Viện phát triển doanh nghiệp, một số vấn đề trong dự thảo cần phải được làm rõ, để khi luật được thông qua có thể đạt được hiệu quả cao nhất. Đơn cử như: tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa ( Điều 4) về tổng nguồn vốn (<100 tỷ đồng) hoặc số lao động bình quân (<300 lao động), thực tiễn áp dụng tiêu chí tại Nghị định 56/2009/NĐ-CP và trong một số lĩnh vực như thuế, ngân hàng.

Tiếp đó là hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (Điều 9) với phương án 1 là áp dụng một mức thuế chung cho tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa; trong đó, doanh nghiệp nhỏ và vừa được áp dụng mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thông thường áp dụng cho doanh nghiệp; hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp chuyển đổi quy mô từ siêu nhỏ đến nhỏ; nhỏ đến vừa được áp dụng mức thấp hơn trong thời hạn 3 năm.

Và phương án 2 là áp dụng các mức thuế theo quy mô doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, doanh nghiệp được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức thông thường áp dụng cho doanh nghiệp, ví dụ như 17%. Doanh nghiệp nhỏ/siêu nhỏ được áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn mức áp dụng cho doanh nghiệp vừa/doanh nghiệp nhỏ, ví dụ 15%/13%. Hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp chuyển quy mô từ siêu nhỏ lên nhỏ; từ nhỏ đến vừa được áp dụng mức thấp hơn trong thời hạn 3 năm.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật cần xem xét lại các phương án để phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực hỗ trợ, hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm. Ngoài ra, cần rà soát để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật như: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư…

Chuyên đề