Hiến kế cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

(BĐT) -Nhiều bất cập, hạn chế trong việc thực hiện các mục tiêu đề ra trong các Nghị quyết và chỉ đạo của Chính phủ về việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã được các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) chỉ ra nhằm hiến kế cho Thủ tướng trong cuộc đối thoại với Thủ tướng Chính phủ sẽ diễn ra vào đầu tháng 4 tới.
DN cũng cần phải chuyển từ thế bị động sang chủ động đề xuất đối thoại với cơ quan nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh.
DN cũng cần phải chuyển từ thế bị động sang chủ động đề xuất đối thoại với cơ quan nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh.

Kết quả cải cách chưa đáp ứng yêu cầu

Cho điểm số cụ thể đánh giá mức độ hài lòng đối với việc tạo thuận lợi trong đầu tư kinh doanh, ông Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế nhận định: “Về pháp lý, tôi chấm 7 điểm, nhưng về thực tiễn, tôi chấm 5 điểm”.

Ông Phong cho rằng, trong giai đoạn 2011 - 2015, DN đứng trước những khó khăn rất lớn, đổ vỡ hàng loạt, áp lực hội nhập ngày một gia tăng. Điều này đặt ra yêu cầu đối với Nhà nước cần phải cải cách quyết liệt với những mục tiêu cụ thể, rõ ràng. Chính phủ đã nhận thức được tầm quan trọng này và việc ban hành các Nghị quyết 19 (lặp lại 4 lần), Nghị quyết 35, các chỉ thị... đã thể hiện quyết tâm nhất quán đó. Những nỗ lực này đã được các tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao (Diễn đàn Kinh tế thế giới, Ngân hàng Thế giới...). Và chưa bao giờ, nhà đầu tư, DN lại có tâm lý hứng khởi và có niềm tin đầu tư vào Việt Nam được thể hiện rõ như vậy.

Tuy nhiên, ông Phong chỉ ra rằng, chất lượng của các văn bản pháp lý chưa phải là cao, hiện tượng chậm trễ, copy - paste… vẫn còn tồn tại. Đội ngũ cán bộ thừa hành vẫn trì trệ, lợi ích nhóm vẫn còn. Hiện chưa có nhiều thay đổi trong cải cách tiền lương... Các chương trình hành động ở địa phương vẫn còn chép lại Nghị quyết của Chính phủ chứ chưa thực sự cụ thể hóa thành các dự án, kế hoạch, mục tiêu và giải pháp thiết thực. Thậm chí, kết quả nhiều cuộc khảo sát gần đây cho thấy, các chỉ số bôi trơn và tham nhũng vẫn còn rất lớn, với trên 80% DN buộc phải bôi trơn. Còn theo xếp hạng của Tổ chức minh bạch thế giới công bố hồi đầu năm nay, Việt Nam đứng thứ 2 về tham nhũng tại châu Á, chỉ sau Ấn Độ.

“Làm sao để khi cấp trên phát động, thì cấp dưới phải chạy”

Để tinh thần tích cực của các Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 đạt được hiệu quả mong muốn, ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thái Nguyên cho rằng, cần bổ sung các chế tài để làm thước đo đánh giá việc thực hiện và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương. “Để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cần phải có một Nghị quyết yêu cầu tự khắc khi cấp trên phát động thì cấp dưới phải chạy, thì mới có tác dụng”, ông Thời nhấn mạnh.

Tránh tình trạng các sở, ban, ngành né tránh trách nhiệm hoặc chỉ trả lời qua loa bằng miệng như trước đây, ông Nguyễn Nhân Phượng – Chủ tịch Hội DN tỉnh Bắc Ninh cho rằng, nên chăng, sau khi tổ chức hội nghị gặp gỡ đối thoại với DN, lãnh đạo tỉnh cần có chỉ đạo các sở, ban, ngành phải trả lời tất cả những thắc mắc, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN bằng văn bản. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cũng cho rằng, nhiều địa phương có tổ chức đối thoại DN, nhưng chưa thực sự hiệu quả và mang tính hình thức, nhiều kiến nghị không được xử lý. Nên chăng, việc tổ chức đối thoại giao cho một cơ quan độc lập có trách nhiệm nghiên cứu, tập hợp kiến nghị của DN và cập nhật các giải pháp của chính quyền.

Phản ánh những khó khăn hiện nay của các DN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, ông Phượng cho biết, khó khăn lớn nhất là vấn đề đất. Khi làm thủ tục xin đất để đầu tư dự án công, DN thường phải mất hơn 1 năm mới được cấp đất và việc Nhà nước “đá bóng” sang chân DN, để DN tự thỏa thuận đền bù với dân khiến việc giải quyết vô cùng khó khăn, thậm chí không thực hiện được dự án. Do đó, ông Phượng đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ DN trong vấn đề này.

Liên quan đến việc rà soát để bãi bỏ hoặc đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh – một trong những nội dung của Nghị quyết 19 của Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu cho biết, hiện vẫn còn một số địa phương chưa tích cực thực hiện, một số còn xử lý vấn đề một cách cơ học. Để đánh giá kết quả chuyển động về cải cách, theo ông Nguyễn Minh Phong, có 4 vấn đề cần quan tâm như: nội dung yêu cầu và lộ trình hội nhập; vai trò của người đứng đầu; xây dựng quy trình khi được chuẩn hoá, thể chế hoá sẽ đi vào hành động; dựa trên nền tảng phát triển công nghệ thông tin để quản lý dữ liệu thông tin trong tỉnh và trên cả nước.

Vấn đề giảm chi phí đầu vào, chi phí thời gian và thủ tục hành chính cũng được nhiều chuyên gia và DN tiếp tục đề cập tới. Nhiều ý kiến cho rằng, việc tiết giảm chi phí cơ hội khi thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký kinh doanh, thuế, hải quan... mặc dù có chuyển biến tích cực, nhưng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DN trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề nghị, bên cạnh việc Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cải cách trên tinh thần kiến tạo và phục vụ DN, thì DN cũng cần phải chuyển từ thế bị động sang chủ động đề xuất đối thoại với cơ quan nhà nước về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh.

Chuyên đề