Hậu Giang cần hơn 12.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Từ nay đến năm 2020, tỉnh Hậu Giang cần hơn 12.000 tỷ đồng vốn đầu tư để phục vụ cho chương trình xây dựng nông thôn mới.
Hậu Giang cần hơn 12.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa: TTXVN
Hậu Giang cần hơn 12.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo báo cáo của UBND tỉnh Hậu Giang, dự kiến từ nay đến năm 2020, nhu cầu vốn đầu tư trong xây dựng nông thôn mới của Hậu Giang là hơn 12.000 tỷ đồng, trong đó, một số nguồn vốn chủ yếu như ngân sách địa phương là hơn 9 tỷ đồng, vốn lồng ghép gần 4.000 tỷ đồng, vốn tín dụng hơn 5.000 tỷ đồng, vốn doanh nghiệp hơn 1.000 tỷ đồng, vốn huy động dân đóng góp gần 2.000 tỷ đồng,…

Đến nay, Hậu Giang có một đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 17/54 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, chiếm hơn 30%.

Theo ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thực hiện phong trào thi đua đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020. Đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 51% số xã và một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Thời gian tới, địa phương tiếp tục huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, cũng như đầu tư có trọng tâm, trọng điểm tránh dàn trải, ưu tiên dự án phục vụ nhu cầu cấp thiết đối với sản xuất và đời sống nhân dân. Trong huy động góp vốn được thực hiện theo phương châm nuôi dưỡng sức dân, phát huy tốt dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống nhân dân. Vì vậy, mỗi đơn vị từ quy hoạch chung được duyệt sẽ cụ thể hóa bằng đề án sản xuất nhằm chọn mô hình cây, con chủ lực ở địa phương. Từ đó thực hiện theo chuỗi giá trị khép kín, đưa khoa học công nghệ và sản xuất, phấn đấu đến năm 2020 nâng cao thu nhập của người dân địa phương từ 1,5 – 2 lần so hiện nay và giảm tỷ lệ hộ nghèo 2 – 3%/năm.

Cùng với đó là tiếp tục củng cố, nâng chất các đơn vị đạt chuẩn, giữ vững danh hiệu đạt được, tổ chức, quản lý, khai thác tốt dự án, công trình nghiệm thu đưa vào sử dụng. Địa phương phấn đấu mỗi công trình khi đưa vào sử dụng đều có bàn giao cụ thể cho các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác mang lại hiệu quả cao.

Tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng nông thôn mới, xem đây là giải pháp quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp, ngành, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương. Việc làm này nhằm nâng ý thức, tính tự giác cho cán bộ và nhân dân, phát huy tốt vai trò chủ thể của nhân dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới.

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tỉnh sẽ phân lập rõ từng nhóm tiêu chí như nhóm đầu tư cơ sở hạ tầng, nhóm nâng cao đời sống nhân dân, nhóm hoàn thiện hệ thống chính trị củng cố quốc phòng an ninh, nhóm môi trường để xây dựng lộ trình bước đi thích hợp nhằm hoàn thành các tiêu chí.

Chuyên đề