Hà Nội “vật lộn” với 19.292 tỷ đồng nợ thuế

(BĐT) - Tính đến đầu tháng 12, Hà Nội đã thu được 122.599 tỷ đồng tiền thuế nội địa, bằng 95% dự toán.

Tính đến đầu tháng 12, Hà Nội đã thu được 122.599 tỷ đồng tiền thuế nội địa, bằng 95% dự toán. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền - Hỗ trợ người nộp thuế thuộc Cục Thuế Hà Nội nhận định, năm 2015, Hà Nội có khả năng thu 132.840 tỷ đồng tiền thuế, bằng 103% dự toán, tăng hơn 12% so với 2014, nhưng để thu hết số tiền nợ thuế là bài toán vô cùng nan giải.

Cùng với TP.HCM, Hà Nội là địa phương có số nợ thuế nhiều nhất: 19.292 tỷ đồng, nếu tính cả số nợ khó thu thì tổng số nợ thuế lên đến 21.850 tỷ đồng, chiếm khoảng 30% tổng số nợ thuế của cả nước. Xử lý món nợ “khủng” này thế nào, thưa bà?

Không phải năm nay mà năm nào Tổng cục Thuế cũng coi việc thu hồi nợ đọng là nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt là năm 2015 vì số nợ thuế lũy kế tính đến cuối năm 2014 tăng rất cao. Đối với Hà Nội, là một trong những địa phương có số nợ đọng thuế lớn nhất cả nước (tổng số nợ thuế vào thời điểm cuối năm 2014 lên tới 18.600 tỷ đồng, tương đương 17,3% tổng số thu nội địa trên địa bàn) nên ngay từ đầu năm, Cục Thuế Hà Nội xác định nợ thuế là một thách thức phải vượt qua, vì vậy, chúng tôi đã đưa ra 7 nhiệm vụ trọng tâm và 9 nhóm giải pháp, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác quản lý, đôn đốc thu hồi nợ.

Chúng tôi áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế, từ phong tỏa tài khoản ngân hàng; yêu cầu ngân hàng thương mại trích tiền từ tài khoản của đối tượng nợ thuế để nộp vào ngân sách nhà nước; công khai danh tính đối tượng nợ thuế và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng. Kết quả là trong 10 tháng đầu năm đã thu được 8.137 tỷ đồng tiền nợ thuế. Tính đến ngày 8/12/2015 đã có 25/562 doanh nghiệp nợ thuế lớn, dự án bất động sản (BĐS) nợ tiền sử dụng đất bị công khai danh tính đã nộp toàn bộ số tiền nợ vào ngân sách với tổng số tiền là 728.054 triệu đồng.

Hà Nội “vật lộn” với 19.292 tỷ đồng nợ thuế ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Hải Yến


Hiện vẫn còn khoảng 230 doanh nghiệp đã bị công bố nợ thuế nhưng chưa nộp đồng nào vào ngân sách?

Trong số những doanh nghiệp chưa nộp tiền nợ thuế có những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, có doanh thu, có thu nhập nhưng không chịu nộp thuế. Với những trường hợp này, cơ quan thuế thực hiện cưỡng chế với các biện pháp như tôi đã nói ở trên. Các biện pháp này nếu chưa thu đủ số tiền thuế nợ đọng thì sẽ thực hiện biện pháp mạnh tay hơn là kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản kê biên để thu hồi nợ và đề nghị cơ quan cấp phép kinh doanh rút giấy phép thành lập doanh nghiệp, giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, giấy phép hành nghề.

Đối với trường hợp chủ doanh nghiệp nợ thuế bỏ địa chỉ đăng ký kinh doanh, ngừng kinh doanh nhưng không làm thủ tục và không thông báo với cơ quan thuế, chúng tôi đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn xác minh chủ doanh nghiệp, người chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp để tiến hành các bước cưỡng chế nợ thuế. 

Thế còn đối với doanh nghiệp thực sự khó khăn thì sao, thưa bà?

Trong số đối tượng đã bị công khai danh tính nợ thuế nhưng đến nay chưa nộp được đồng nào vào ngân sách có rất nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn về tài chính. Đối với những trường hợp này, cơ quan thuế tiếp tục động viên, khuyến khích họ thực hiện nghĩa vụ với ngân sách, mặt khác phải chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, đối với doanh nghiệp đã nộp hết tiền nợ gốc, nhưng gặp khó khăn khách quan nên chưa thể nộp được tiền phạt chậm nộp chúng tôi đề nghị xóa tiền phạt chậm nộp. Hay đối với doanh nghiệp là nhà thầu phụ thực hiện dự án mà ngân sách nhà nước chưa thanh toán tiền, theo quy định của Luật Quản lý thuế thì cơ quan thuế chỉ gia hạn nợ thuế đối với nhà thầu chính nếu chưa nhận được tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước, còn nhà thầu phụ thì không được gia hạn nợ thuế. Nhà thầu chính chưa được thanh toán cũng không có nguồn để thanh toán cho nhà thầu phụ nên nhà thầu phụ nợ tiền thuế, trong trường hợp này chúng tôi đề nghị gia hạn nợ thuế cho cả nhà thầu phụ.

Đối với trường hợp doanh nghiệp chưa thể xoay sở đủ nguồn tài chính để trả hết nợ thuế, chúng tôi cho phép phân kỳ trả nợ mà không cần phải có sự bảo lãnh của ngân hàng thương mại. 

Vẫn còn khoảng 10 dự án nợ tiền sử dụng đất khá lớn, mặc dù đã bị cơ quan thuế công bố danh tính nhưng vẫn cố tình chây ỳ. Trong trường hợp này thì xử lý thế nào, thưa bà?

Kiên quyết thực hiện biện pháp cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với chủ đầu tư dự án kinh doanh BĐS; thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng; và áp dụng biện pháp mạnh tay nữa là đề nghị UBND TP. Hà Nội thu hồi đất, kiên quyết không giao thêm dự án mới. 

Doanh nghiệp, chủ đầu tư kinh doanh BĐS mà bị cơ quan thuế thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng thì chỉ còn nước đóng cửa. Thưa bà, biện pháp này có quá mạnh tay không?

Biện pháp cưỡng chế này đúng là mạnh tay vì thế cơ quan thuế chỉ áp dụng trong trường hợp đã áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, trích tiền từ tài khoản của đối tượng nợ thuế nhưng chưa thu hết nợ, trong khi đối tượng nợ thuế không hợp tác, cố tình chây ỳ tiền thuế nợ.

Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chỉ bị ảnh hưởng vì không có hóa đơn để giao cho khách hàng ngay vì khi có phát sinh giao dịch, doanh nghiệp có nhu cầu vẫn được cơ quan thuế cấp hóa đơn lẻ để hoạt động. Khi hoàn thành nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế tiếp tục cho doanh nghiệp được tự tạo, tự in hoặc đặt in hóa đơn để sử dụng bình thường. 

Thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, sau đó lại bán hóa đơn lẻ, như bà nói hoạt động của doanh nghiệp không bị ảnh hưởng. Như vậy, biện pháp cưỡng chế này không hữu hiệu lắm?

Khi doanh nghiệp được tự tạo, tự in hoặc đặt in hóa đơn để sử dụng thì họ chủ động cấp hóa đơn cho khách hàng mỗi khi phát sinh giao dịch. Khi bị thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, mỗi khi cần, doanh nghiệp phải đến tận cơ quan thuế để được cấp từng tờ hóa đơn lẻ không những mất thời gian, công sức mà uy tín của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng.

Chuyên đề