Gỡ rào cản thực thi công vụ qua cơ chế lương

(BĐT) - Quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh là rất lớn. Những chính sách vĩ mô nếu nhanh chóng triển khai, đi vào cuộc sống thì môi trường kinh doanh hết năm nay sẽ có sự thay đổi rất cơ bản, làm tiền đề cho năm 2019. 
Sự chuyển động ở bộ máy hành chính, ở những người thực thi trực tiếp chính sách đối với doanh nghiệp, người dân được đánh giá là chậm nhất. Ảnh: Tường Lâm
Sự chuyển động ở bộ máy hành chính, ở những người thực thi trực tiếp chính sách đối với doanh nghiệp, người dân được đánh giá là chậm nhất. Ảnh: Tường Lâm

Vấn đề mấu chốt vẫn là thực thi để chính sách đến được với doanh nghiệp, người dân, tạo ra chuyển động thực tế. Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân - chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu xung quanh kết quả phát triển kinh tế, điều hành của Chính phủ.

Theo ông, đâu là thách thức lớn mà nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian còn lại của năm nay?

Tôi cho rằng thách thức lớn nhất là khống chế được chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm không vượt 4%. Từ nay đến cuối năm còn nhiều nhân tố làm CPI tăng, trong khi dư địa hiện còn khá ít.

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức hợp lý thể hiện sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Từ nay đến cuối năm, quan trọng là giữ được lạm phát cơ bản ở mức trên dưới 2%. Chính phủ nên đặt quyết tâm nhiều hơn vào mục tiêu kiểm soát lạm phát cơ bản để tăng trưởng kinh tế là tăng trưởng thực, hiệu quả nền kinh tế cao, đời sống tăng lên.

Gỡ rào cản thực thi công vụ qua cơ chế lương ảnh 1
Ông Hoàng Văn Cường
Quyết tâm của Chính phủ trong cải cách môi trường kinh doanh là rất lớn, ông cảm nhận thế nào về chuyển động thực tế của môi trường kinh doanh?

Xét ở mức độ chính sách lớn của Nhà nước thì đã thay đổi rõ nét, một số bộ, ngành đã cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh. Quản lý vĩ mô ở tầm trung ương đã có chuyển biến tương đối rõ. Và Chính phủ vẫn đang thể hiện quyết tâm cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa điều kiện kinh doanh.

Tuy nhiên, sự chuyển động ở bộ máy hành chính, ở những người thực thi trực tiếp chính sách đối với doanh nghiệp, người dân là chậm nhất. Rất nhiều vấn đề ách tắc là do khâu thực thi, điển hình như đầu tư công giải ngân chậm. Người ta cứ nói là vướng Luật Đầu tư công, vướng Luật Đấu thầu, nhưng thực chất giải ngân chậm theo tôi là vì những người thực thi đủng đỉnh, không muốn sốt sắng, vì không còn những động lực cũ. Trước kia, người ra quyết định đầu tư có thể có những động lực nào đó bên ngoài chính sách, đưa đến lợi ích cá nhân, nhưng nay việc kiểm soát tham nhũng quyết liệt hơn, quy định liên quan đến đầu tư công càng ngày càng chặt chẽ, cán bộ thực thi e ngại, không muốn tích cực, hoặc đơn giản là ngại trách nhiệm, nên mọi thứ đều... đủng đỉnh. 

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận diện được ách tắc ở khâu thực thi, phương châm chỉ đạo xuyên suốt của năm 2018 là “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả”. Thưa ông, có lẽ cần một sự đột phá quyết liệt hơn để vấn đề thực thi công vụ không tiếp tục là rào cản?

Tôi cho rằng muốn tăng hiệu quả thực thi cần phải thay đổi về cơ chế đánh giá và trả lương đối với mỗi cán bộ công chức, phải đánh giá theo mức độ hoàn thành công việc ở mỗi vị trí việc làm, trả lương theo nhiệm vụ, chất lượng công việc hoàn thành, không phải là có ngồi đủ giờ hay không, có vi phạm nội quy, quy chế không.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính mấu chốt là ở chỗ này, cán bộ thực thi công vụ càng tận tình với doanh nghiệp, người dân, càng đơn giản thủ tục hành chính, thì càng nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ được giao và sẽ được trả lương cao. Ngược lại, nếu không tận tình, thủ tục không công khai minh bạch, người dân phải đi lại nhiều thì cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.

Còn nếu cứ bảo cắt bớt thủ tục hành chính đi, làm gọn đi, mà vẫn theo cơ chế đánh giá và trả lương hiện nay thì người thực thi công vụ không ai muốn, vì thủ tục càng rườm rà, càng phức tạp, càng khó hiểu thì càng có kẽ hở cho xin - cho, vòi vĩnh.

Giải quyết được vấn đề này thì không chỉ doanh nghiệp, người dân được thuận lợi, môi trường kinh doanh tốt, mà mỗi cán bộ trong bộ máy quản lý nhà nước sẽ chỉ chuyên tâm đến công việc, phải làm gì cho nhanh nhất, gọn nhất, hiệu quả nhất, bớt khâu phức tạp, trung gian. Bộ máy nhà nước sẽ gọn hơn và chất lượng cán bộ được nâng cao, không còn động cơ tham nhũng, từ đó giúp cho những chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đi vào thực tế.

Chuyên đề