Gỡ khó trong đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT

Các nhà đầu tư đẩy mạnh áp dụng công nghệ để việc thu phí được kiểm soát và thuận lợi hơn.
Gỡ khó trong đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT. Ảnh minh họa: TTXVN
Gỡ khó trong đầu tư các công trình giao thông theo hình thức BOT. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 28/3, Đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Thái Bình về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh- chuyển giao (BOT)

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, tổng nguồn lực đầu tư cho các công trình giao thông BOT giai đoạn 2011 - 2016 trên địa bàn là 550 tỷ đồng. Một công trình giao thông triển khai trên địa bàn theo hình thức BOT đã hoàn thành là dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B đoạn tuyến tránh thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) và đoạn từ đường vào Trung tâm Điện lực Thái Bình đến cầu Diêm Điền (huyện Thái Thụy) do Công ty cổ phần Tasco làm chủ đầu tư.

Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ Quốc lộ 10 (tuyến tránh S1) đến đường Thái Bình - Hà Nam, đoạn từ Quốc lộ 10 đến sông Trà Lý và cầu vượt sông Trà Lý sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Nhiều đại biểu tỉnh Thái Bình kiến nghị đến Đoàn giám sát và các Bộ, ngành Trung ương cần có giải pháp bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Qua giám sát, cần xác định trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và cá nhân liên quan, đồng thời hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật và có giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về khuyến khích đầu tư, khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT.

Thực tế hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định việc giám sát hoạt động thu tại các trạm thu phí, do đó, công tác quản lý thu phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đề nghị các cấp có thẩm quyền sớm có kết luận về dự án BOT trên địa bàn, giúp địa phương xác định phương hướng thực hiện trong thời gian tới. Tỉnh kiến nghị cho phép bổ sung vào giá trị hợp đồng nhà đầu tư lập dự án kéo dài tuyến tránh từ thị trấn Đông Hưng đến cầu Nghìn đấu nối với đường 10 Hải Phòng đạt tiêu chuẩn đường cấp II đồng bằng.

Tỉnh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ bố trí vốn trái phiếu Dự án cải tạo, nâng cấp đường 39B từ thị trấn Thanh Nê (huyện Kiến Xương) đến thị trấn Diêm Điền (huyện Thái Thụy). Về lâu dài, tỉnh đề nghị Chính phủ, Quốc hội sớm sửa đổi, bổ sung pháp luật hiện hành về lĩnh vực giao thông, nhất là hình thức đầu tư BOT. Các nhà đầu tư đẩy mạnh áp dụng công nghệ để việc thu phí được kiểm soát và thuận lợi hơn.

Tại hội nghị, Trưởng đoàn giám sát Vũ Hồng Thanh ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Thái Bình, sớm trình các cấp có thẩm quyền xem xét; nhấn mạnh tính cần thiết của hình thức đối tác công tư PPP, hình thức này cần tiếp tục phát triển, nhân rộng trong thời gian tới. Song để hình thức đối tác công tư PPP phát huy hiệu quả cao nhất, địa phương cần sớm giải quyết những bất cập hiện tại.

Ông Vũ Hồng Thanh đề nghị Thái Bình đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, đối thoại với người dân về chính sách, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền và nhân dân trong thực hiện các công trình giao thông theo hình thức BOT trên địa bàn.

Trước đó, sáng cùng ngày, Đoàn đã thực hiện giám sát tại Trạm thu phí Tân Đệ (huyện Vũ Thư) và Trạm thu phí km13+250 đường 39B (huyện Kiến Xương).

Chuyên đề