Giám sát tài sản 1.000 cán bộ cấp cao: “Anh kê khai sai, anh phải mất chức”

Quy định về kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ cấp cao tiếp tục được báo chí đặt ra với đại biểu Quốc hội...
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Bên hành lang Quốc hội sáng 29/5, quy định về kiểm tra, giám sát tài sản của khoảng 1.000 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý tiếp tục được báo chí đặt ra với bà Lê Thị Thủy, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và một số vị đại biểu Quốc hội khác.

Bà Thuỷ cho biết, khoảng 1.000 đối tượng cán bộ cấp cao được điều chỉnh bởi quy định này, bao gồm cả các cán bộ là Uỷ viên Bộ Chính trị, thành viên Ban bí thư.

“Không có vùng cấm”

“Đây là quy định của Bộ Chính trị nên sẽ được triển khai thực hiện nghiêm túc, các đối tượng thuộc diện quản lý thuộc diện kiểm tra thì không có vùng cấm, khi có ba căn cứ nêu tại quy định thì sẽ phải kiểm tra”, bà Thuỷ khẳng định.

Về câu hỏi có cần đủ ba căn cứ mới kiểm tra, xác minh, bà Thuỷ giải thích, không cần phải hội đủ cả ba căn cứ, chỉ cần một căn cứ là đã có thể kiểm tra.

Ví dụ, khi có kế hoạch, yêu cầu của cơ quan tổ chức có thẩm quyền thì sẽ kiểm tra. Hoặc khi có phản ánh, tố cáo có căn cứ là việc kê khai tài sản không trung thực thì kiểm tra hoặc có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản… thì sẽ kiểm tra.

Với băn khoăn liệu có sự e ngại, né tránh khi kiểm tra, giám sát tài sản cua cán bộ cấp cao hay không, bà Thuỷ cho biết, đây là việc của các cơ quan trực tiếp được giao nhiệm vụ, tiến hành kiểm tra. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ tiến hành kiểm tra theo đúng quy định của Đảng về quy trình kiểm tra, không có vùng cấm, đồng nghĩa không có né tránh.

“Lâu nay vướng mắc trong xử lý án tham nhũng là xác minh nguồn gốc tài sản tham nhũng. Quy định lần này của Bộ Chính trị liệu có giải quyết được vướng mắc này?”, báo chí tiếp tục đặt câu hỏi.

Câu trả lời của vị Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương là quy trình nằm trong vụ án sẽ do các cơ quan tố tụng tiến hành, phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Khi đưa ra xét xử các điều kiện đó đã đầy đủ, đảm bảo các vụ xét xử được khách quan, đúng quy trình

Về kế hoạch triển khai cụ thể, bà Thuỷ cho biết Thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương sẽ bàn bạc quyết đinh. Tuy nhiên, do Thường trực Uỷ ban chưa họp nên hiện chưa có thông tin, kế hoạch cụ thể.

Anh kê khai sai, anh phải mất chức”

Cũng trả lời báo chí về quy định nói trên, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Về các vấn đề xã hội nói, đây là vấn đề Đảng, Nhà nước đã có tổng kết và nhiều nghiên cứu rồi.

Theo ông, “người ta đã đưa ra các nguyên nhân không hiệu quả, nhưng nguyên nhân đầu tiên là người kê khai không trung thực”.

“Thứ hai là việc kê khai từ trước đến nay không đưa vào quá trình giám sát. Tức là kê khai và cất nó đi. Thứ ba là không minh bạch, không để cho những người khác có thể kiểm soát được mà chỉ ở trong phạm vi nhỏ. Nó còn kín, cho nên không có hiệu quả”, ông Nhưỡng nói.

Nhấn mạnh thực tế kê khai là có nhưng không mang lại nhiều hiệu quả, ông Nhưỡng phân tích: “Đến khi một người nào đó bị phát giác, lúc đó mới lôi bản kê khai ra, lúc đó mới phát hiện ra, thậm chí lúc mang ra xem xét thì tài sản đó đã đi rất nhiều vòng rồi, qua nhiều chủ rồi, cho nên nó không hiệu quả lắm”.

“Đặc biệt là cách xử lý của chúng ta, thái độ xử lý chưa cương quyết lắm đối với những trường hợp này. Anh kê khai sai, anh phải mất chức, vì anh đã sử dụng bản kê khai này làm điều kiện tối thiểu để được bổ nhiệm, bầu cử. Cho nên anh kê khai không trung thực thì anh phải bị xử lý, bị loại khỏi cuộc chơi. Tôi nghĩ cần phải cương quyết”, ông Nhưỡng thể hiện quan điểm.

Vẫn theo đại biểu Nhưỡng thì bản thân ông và cử tri cũng đặt  niềm tin rất lớn vào công việc giám sát, kiểm tra tài sản của cán bộ cấp cao khi có quy định mới.

Song ông cũng nêu hàng loạt câu hỏi: “Tuy nhiên người ta cũng băn khoăn liệu có xử lý một cách rốt ráo không? Liệu những người đứng ra trực tiếp làm cái này có đủ năng lực và đủ độ tin cậy để làm không? và liệu kết luận này có được triển khai thực hiện rốt ráo khi chúng ta phát hiện ra hay không? Và liệu người dân có được kiểm soát không? được xem xét, thông tin về những vấn đề mà kết quả chúng ta kiểm tra giám sát hay không?”.

Chuyên đề