Giảm bội chi: Giải pháp đã có, chờ quyết tâm

(BĐT) - Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015, với mức bội chi ngân sách là 263.135 tỷ đồng, bằng 6,28% GDP, không bao gồm kết dư ngân sách địa phương. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Như vậy, nếu tính trên tỷ lệ phần trăm so với GDP, bội chi NSNN năm 2015 có giảm nhẹ so với mức 6,33% GDP của năm 2014, song nếu tính con số tuyệt đối thì mức bội chi lại cao hơn nhiều năm trở lại đây.

Chi thường xuyên tăng nhanh, chi đầu tư ì ạch

Trao đổi với Báo Đấu thầu, TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mức bội chi bằng 6,28% GDP như nêu trên là còn quá lớn và đáng lo ngại khi ngày càng tăng cao.

“Chúng ta có kế hoạch duy trì ở mức dưới 5%, nhưng mấy năm vừa qua mức bội chi đều vượt kế hoạch đặt ra. Tại kỳ họp Quốc hội vừa diễn ra, các đại biểu cũng thảo luận rất sôi nổi về vấn đề này. Tôi cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận lại và có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc cân đối ngân sách”, ông Hồ nêu quan điểm.

Điều đáng băn khoăn, theo ông Lưu Bích Hồ đó là trong cơ cấu chi ngân sách thì chi thường xuyên còn chiếm tỷ lệ quá cao và có xu hướng ngày càng lớn.

Vấn đề chi NSNN trong các chiến lược phát triển ở các thời kỳ hầu hết đều nhấn mạnh việc tăng đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên, tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu hành chính. Tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công nêu rõ: chỉ tiêu về chi đầu tư phát triển giai đoạn 2016 - 2020 bình quân là 25 - 26%, chi thường xuyên dưới 64%, ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Giảm dần tỷ lệ bội chi NSNN, đến năm 2020 không quá 3,5% GDP.

Tuy nhiên, trên thực tế mức chi thường xuyên quá lớn trong khi chi đầu tư còn “ì ạch” vẫn còn là điều trăn trở trong việc cân đối ngân sách hiện nay. Tại phiên thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và NSNN năm 2016, đại biểu Quốc hội Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn Hà Tĩnh) cũng đã đề cập đến vấn đề này.

Theo đại biểu Thơ, trong những năm qua, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN có xu hướng tăng dần, từ 50,37% tổng chi NSNN năm 2005 lên mức 61,67% năm 2012. Trong khi đó, tỷ trọng chi đầu tư phát triển trong tổng chi đang có xu hướng giảm, mức bình quân 31,09% giai đoạn 2001 - 2005, sang giai đoạn 2006 - 2010 chỉ chiếm khoảng 28%, giai đoạn 2001 - 2013 là 28,72%. Năm 2016 chi đầu tư phát triển chỉ chiếm 19,72%, chưa đến 1/5 trong tổng chi NSNN, trong khi chi thường xuyên chiếm 61,15%.

Đại biểu Thơ nhấn mạnh hết sức chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ về việc thu NSNN hạn hẹp, nhu cầu chi tiêu cao, song bà Thơ cho rằng việc vay vốn phải đảm bảo nguyên tắc đáp ứng chi đầu tư. 

Mức bội chi ngân sách có xu hướng ngày càng tăng là rất đáng lo ngại

Làm sao để giảm được bội chi?

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, TS. Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế cho biết, việc chi ngân sách thường xuyên mất cân đối, bội chi thường xuyên lớn hơn so với chỉ tiêu Quốc hội giao là vấn đề cần được quan tâm và có giải pháp mạnh mẽ. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ làm “nhờn” Luật NSNN và như vậy sẽ rất khó để đưa mức bội chi về dưới 3,5% như mục tiêu đề ra, ông Phong nhìn nhận.

Theo chuyên gia Nguyễn Minh Phong, trong cơ cấu chi ngân sách, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng rất lớn. Muốn chi thường xuyên giảm xuống có nhiều giải pháp, trong đó có việc tinh giản bộ máy. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chúng ta “thắt” chỗ này thì lại “phình” ra ở chỗ khác.

Biên chế cứ phình ra thì không thể cơ cấu lại ngân sách

Ông Đinh Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Tài chính:

Chúng ta phải đi vào các giải pháp sâu hơn và căn cơ hơn, đó chính là phải tập trung tiết kiệm chi. Nhiều định mức, nhiều chính sách hiện nay rất lỗi thời, cần phải sửa, cần đẩy mạnh việc khoán chi, các loại khoán chi và đặc biệt chi thường xuyên là phải đẩy mạnh khoán. Cùng với đó là phải sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế thì mới giải quyết được vấn đề về tiền lương.

Thực tế cho thấy, nếu biên chế, tổ chức cứ phình ra thì không thể nào cơ cấu lại được ngân sách, không thể nào giảm chi thường xuyên được. Cần có sự phối hợp, chỉ đạo đồng bộ, hiệu quả của các cấp, các ngành thì NSNN mới từng bước được đưa về tình hình lành mạnh.

Do vậy, theo ông Phong, muốn mục tiêu này đạt được thì cần có quyết tâm, trong đó nhấn mạnh việc giảm vai trò quản lý nhà nước ở nhiều ngành, lĩnh vực. Việc này không chỉ để giữ cân đối ngân sách mà còn để thay đổi tư duy, nâng cao hiệu quả chi tiêu.

TS. Lưu Bích Hồ cũng cho rằng, bộ máy của chúng ta hiện quá lớn, muốn giảm chi thường xuyên thì không còn cách nào khác là tinh giản biên chế. “Nhưng như chúng ta đã nghe nhiều phản ánh, cứ thắt được chỗ này thì lại phình chỗ kia. Không giảm được bộ máy thì không có cách gì giảm được chi thường xuyên. Một số ngành hiện đang đề xuất giảm mạnh biên chế như Bộ Giáo dục và Đào tạo với Đề án chuyển đổi biên chế sang hợp đồng chẳng hạn. Tuy nhiên, để thực hiện được thì không nhanh và cực kỳ khó khăn”, ông Hồ nói và nhấn mạnh muốn làm được thì phải thực sự cầu thị, thực sự có quyết tâm.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Chương trình hành động đã đề ra hàng loạt các giải pháp để giảm bội chi tăng cao, giảm nợ công. Theo đánh giá, Chương trình đã đề ra một loạt các giải pháp căn cơ, quan trọng, còn lại là việc thực hiện.

TS. Lưu Bích Hồ chia sẻ, ông mới có cuộc trò chuyện với một chuyên gia kinh tế có uy tín. Vị này có nói nếu muốn bộ máy tinh gọn hơn thì phải “cắt” bớt quyền quản lý của Nhà nước đi. Việc gì thị trường có thể điều tiết được thì để thị trường làm.

Cũng theo vị chuyên gia này, Chính phủ cần có biện pháp mạnh mẽ để đẩy nhanh các giải pháp đã đặt ra tại Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 07 của Bộ Chính trị về cơ cấu lại ngân sách. “Mất cân đối ngân sách là điểm nghẽn rất lớn hiện nay. Để lâu quá sẽ bị ì. Khó khăn lại càng chồng chất khó khăn”, ông Hồ nhấn mạnh.

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, để cân đối ngân sách cần làm rõ các nguyên nhân gây nên tình trạng này, thậm chí quy trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý.

Chuyên đề