Giải pháp nào kích cầu hiệu quả?

(BĐT) - Một số chỉ tiêu kinh tế trong 2 tháng đầu năm qua cho thấy cầu của nền kinh tế phục hồi còn chậm. Tuy còn quá sớm để đặt ra lo ngại về nguy cơ nền kinh tế bước vào giai đoạn trì trệ, nhưng việc đưa ra những biện pháp để kích thích sản xuất, tiêu dùng là cần thiết.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Lê Tiên
Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong 2 tháng đầu năm. Ảnh: Lê Tiên

Nhận diện nguyên nhân

2 tháng đầu năm 2017, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,4%, thấp hơn rất nhiều so với mức tăng của cùng kỳ 2 năm trước (cùng kỳ năm 2016 tăng 6,6%; năm 2015 tăng 12%). Bên cạnh đó, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ chỉ tăng 8,7% so với cùng kỳ năm 2016 (thấp hơn mức tăng 10,1% của cùng kỳ năm 2016 và mức tăng 9,7% của cùng kỳ năm 2015). Thu ngân sách nhà nước cũng thấp hơn kế hoạch dự toán. Những con số này đã được Chính phủ đánh giá là hạn chế của nền kinh tế 2 tháng đầu năm, cho thấy tổng cầu nền kinh tế phục hồi còn chậm.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc nhận diện nguyên nhân dẫn đến cầu nền kinh tế phục hồi chậm là rất cần thiết để có giải pháp phù hợp. Ông Ngô Trí Long cho rằng, kinh tế thị trường lấy cầu là xuất phát điểm, quyết định đến sự tăng trưởng, phát triển. Cầu phụ thuộc rất lớn vào chính sách thuế, thuế là công cụ rất quan trọng để khuyến khích hay hạn chế tiêu dùng. Cầu tăng thấp thì phải xem lại chính sách thuế. Cầu tiêu dùng thấp cũng có thể do thu nhập giảm hoặc tình hình kinh tế khó khăn, triển vọng kinh tế chưa sáng sủa, khiến người dân không dám mạnh tay chi tiêu. Cầu của doanh nghiệp thấp thì phải xem xét lại những cơ chế chính sách kích thích tăng trưởng, sản xuất. 

Bên cạnh đó, theo ông Ngô Trí Long, giải ngân đầu tư công 2 tháng đầu năm còn chậm cũng là yếu tố tác động đến sự phục hồi của tổng cầu, bởi vì đầu tư công là hoạt động quan trọng với bất kỳ một nền kinh tế nào, hoạt động này triển khai mạnh, hiệu quả có thể kích thích tổng cầu cả nền kinh tế. Thông thường giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh vào những tháng giữa và cuối năm, kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tổng cầu.

Nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh cho rằng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp một phần do doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, số lượng giải thể còn cao. Trong đó, lãi suất cao, tiếp cận vốn tín dụng chưa thuận lợi cũng là một trong những cản trở đối với doanh nghiệp chế biến, chế tạo.

Còn chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lý giải, tổng cầu thấp một phần là do giá nhiều mặt hàng giảm, đặc biệt là hàng nông sản xuống rất nhiều. Ngoài ra, năm nay Tết không dài như mấy năm gần đây, nên nhu cầu mua tích trữ không nhiều, không khiến cầu tiêu dùng vọt lên. Và nguyên nhân rất quan trọng nữa là người dân chưa có nhiều tiền. 

Cần những biện pháp kích cầu trúng đích

Để kích thích tiêu dùng, sản xuất trong thời gian tới, cần xem lại cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính, tín dụng.
Với tinh thần giải quyết khó khăn ngay từ đầu năm, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 2/2017, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phải có giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu; tích cực thực hiện các biện pháp kích cầu, phát triển hệ thống thương mại bán lẻ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước.

Thông tin mới đây của Bộ Công Thương cho biết, để thúc đẩy sức mua trên thị trường trong nước, thời gian tới Bộ sẽ tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản sản xuất tập trung có sản lượng lớn, mang tính mùa vụ cao của các địa phương; hỗ trợ hàng hóa sản xuất trong nước thông qua các hoạt động kết nối cung cầu trực tiếp cho các doanh nghiệp thu mua phân phối, xuất khẩu với các vùng sản xuất; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu hoặc kết nối vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp có hệ thống phân phối đa quốc gia...

Một số ý kiến cho rằng, kích cầu phải thực hiện ngay khi các doanh nghiệp chưa thu hẹp sản xuất và các hộ gia đình chưa thu hẹp tiêu dùng. Nếu thực hiện sớm quá, kích cầu có thể làm tăng áp lực lạm phát, nhưng nếu thực hiện chậm quá, thì hiệu quả của kích cầu sẽ giảm. Việc kích cầu cũng nên hướng đến những người có thu nhập thấp hơn, để họ không phải giảm tiêu dùng, thậm chí còn tăng tiêu dùng, từ đó tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kích thích doanh nghiệp mở rộng sản xuất.

Còn theo ông Ngô Trí Long, để kích thích tiêu dùng, sản xuất trong thời gian tới, cần xem lại cơ chế chính sách, đặc biệt là chính sách tài chính, tín dụng. Tại sao lãi suất vẫn cao và doanh nghiệp vẫn khó tiếp tiếp cận vốn tín dụng? Việc kích cầu phải xem xét hết sức thận trọng, tính toán kỹ, đúng đối tượng, kích vào đâu, kích cái gì, chứ không phải kích chung chung, bình quân, dàn trải, vì nếu không, có thể làm bùng nổ lạm phát.

Chuyên đề