Giá xăng dầu gây áp lực lên lạm phát

(BĐT) - Ngay sau quyết định tăng giá xăng dầu của cơ quan điều hành cuối tuần trước, một số hãng taxi có thể tăng giá cước trong tuần này và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm nay dự kiến sẽ bị đẩy thêm 0,17%. Do đó, việc kiềm chế lạm phát năm nay và sang năm càng thêm áp lực.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Doanh nghiệp vận tải khó hoãn tăng giá

Theo thông báo từ liên Bộ Công Thương - Tài chính ngày 6/10 vừa qua, giá bán lẻ xăng, dầu trong nước sẽ đồng loạt tăng 403 - 752 đồng/lít (kg). Sau điều chỉnh, giá xăng E5 RON92 lên 20.906 đồng/lít; xăng RON95 lên mức 22.347 đồng/lít; dầu diesel có giá mới 18.611 đồng/lít, dầu hoả có giá 17.086 đồng/lít và giá dầu madut là 15.694 đồng/kg.

Trước diễn biến này của thị trường nhiên liệu, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho biết, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ taxi bởi xăng dầu chiếm đến hơn 40% chi phí kinh doanh của dịch vụ này.

“Từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng dầu đã có 3 đợt tăng liên tục với tổng mức tăng khá cao. Tính từ đầu năm, giá nhiên liệu đầu vào của ngành vận tải cũng đã có mức tăng khoảng 2.000 đồng/lít (kg), như vậy, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang chịu sức ép khá lớn về chi phí kinh doanh. Để góp phần kiềm chế mặt bằng giá cả trong nước, Hiệp hội cũng đã kiến nghị các hội viên cố gắng giữ giá cả dịch vụ. Tuy nhiên, mỗi doanh nghiệp có một bài toán kinh doanh riêng và mặt bằng giá nhiên liệu đã chênh lệch lớn so với trước đây nên trong tuần này, nhiều khả năng sẽ có nhiều hãng taxi điều chỉnh giá cước dù việc điều chỉnh giá là khá phức tạp về thủ tục và tốn kém”, ông Hùng nói.

Đánh giá về tác động của giá xăng dầu với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của năm nay và sang năm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết, với mức tăng giá xăng dầu khoảng 2,86% trong đợt cuối tuần qua, CPI cả năm nay sẽ chịu tác động trực tiếp khoảng 0,085%. Về tác động gián tiếp, giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và dịch vụ các ngành khác, đặc biệt là ngành vận tải. Theo ông Thỏa, đợt tăng giá lần này sẽ đẩy giá thành vận tải thêm từ 0,85% đến 1,14%. “Đây là tác động theo tính toán số liệu. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, thị trường còn có thể chịu tác động về mặt tâm lý do nhu cầu về hàng hóa và vận chuyển hàng hóa tăng cao nên có thể tiếp tục đẩy CPI tăng đáng kể. Tính cả trực tiếp và gián tiếp, CPI có thể bị đẩy thêm khoảng 0,17% tính từ giờ đến cuối năm”, ông Thỏa phân tích. 

Lo ngại tác động gián tiếp

Không chỉ tác động đến CPI năm nay, giá nhiên liệu dự kiến sẽ ảnh hưởng đáng kể đến mặt bằng giá của năm 2019 khi mỗi lít xăng sẽ chịu thêm 1.000 đồng và mỗi lít dầu các loại phải cộng thêm từ 500 - 1.100 đồng/lít (kg) thuế bảo vệ môi trường. Tính toán về ảnh hưởng của CPI trong năm 2019 từ giá các loại nhiên liệu này, theo ông Thỏa, với mức tăng thuế bảo vệ môi trường như vậy thì giá bán các mặt hàng này tăng từ 4,4% đến 4,7% nếu các yếu tố khác không đổi, từ đó, đẩy CPI tăng khoảng 0,12% đến 0,14%.

Nhận xét về xu hướng của CPI trong năm nay và năm sau, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu Công ty Nghiên cứu thị trường VietAnalytics cho rằng, từ đầu năm đến nay, mặt bằng giá chịu lực đẩy khá lớn do sau giai đoạn trầm lắng, kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam tương đối hồi phục, giá cả nhiều mặt hàng tăng. “Sức ép tăng giá có thể đẩy mặt bằng giá lên hay không còn phụ thuộc việc người tiêu dùng có chấp nhận mức giá mới hay không. Nếu người tiêu dùng chấp nhận nghĩa là tiền trong dân cư dư thừa để sẵn sàng chi tiêu và đó có thể là hệ quả của một chính sách mở rộng cung tiền trước đó. Khi người tiêu dùng chấp nhận thì mặt bằng giá có thể sẽ tăng cao bởi nhiều hàng hóa tăng theo”, ông Minh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, đó là thời điểm có thể bắt đầu một vòng xoáy tăng giá vì giá hàng hóa này đẩy giá hàng hóa khác, đặc biệt, khi xăng dầu là giá đầu vào của sản xuất kinh doanh tăng thì sức ép tăng giá các mặt hàng khác là khá lớn. “Đó là nguyên nhân khiến ngân hàng trung ương các nước, chẳng hạn như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) thường tăng lãi suất để giảm cung tiền của nền kinh tế khi thấý lạm phát ở mức cao. Ngân hàng trung ương phát đi tín hiệu thắt chặt cung tiền sẽ là một động thái có thể góp phần kiềm chế tốc độ tăng giá nhiều mặt hàng”, ông Minh bình luận.

Chuyên đề