GDP bình quân đầu người đạt 3.200 - 3.500 USD năm 2020

(BĐT) - “Kỳ họp thứ 11 là thời điểm để nhìn lại chặng đường đã qua,... đề ra các việc cần làm trong năm 2016 và những năm tiếp theo của kế hoạch 5 năm; phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, tạo thế và lực đưa đất nước vững vàng bước vào chặng đường phát triển mới”.
Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm tới đạt 6,5 - 7%/năm. Ảnh: Lê Tiên
Theo báo cáo của Chính phủ, dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 5 năm tới đạt 6,5 - 7%/năm. Ảnh: Lê Tiên

Đây là phát biểu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, diễn ra sáng ngày 21/3 tại Hà Nội. Trong ngày làm việc đầu tiên của Kỳ họp, các Đại biểu Quốc hội bàn về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) giai đoạn 2011-2015 và Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2016-2020). 

Các cân đối lớn được bảo đảm

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH 5 năm 2011-2015 và báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Các cân đối lớn của nền kinh tế đã cơ bản bảo đảm được. Các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được hoàn thiện. Nguồn nhân lực và khoa học, công nghệ có bước phát triển. Đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đạt kết quả quan trọng. Chất lượng tăng trưởng nhiều mặt được cải thiện…

Tại Báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện Kế hoạch, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận, trong 5 năm qua, quy mô và tiềm lực của đất nước được nâng lên; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát giảm (từ 11,75% năm 2010 xuống còn 0,6% năm 2015); năng suất lao động tăng bình quân 4,2%/năm, cao hơn giai đoạn trước. Các cân đối lớn dần được cải thiện, nhập siêu giai đoạn 2011 - 2015 chỉ còn khoảng 2% so với mức nhập siêu 17,4% giai đoạn 5 năm trước. Đời sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người từ 1.168 USD năm 2010 lên 2.109 USD năm 2015… 

Nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch

Mặc dù vậy, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, KTXH phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; còn nhiều khó khăn, hạn chế, một số chỉ tiêu KTXH chưa đạt kế hoạch. Việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng chưa vững chắc. Kinh tế phục hồi còn chậm. Năng suất, chất lượng tăng trưởng một số mặt còn thấp. Sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao. Môi trường kinh doanh còn nhiều hạn chế. Việc thực hiện ba đột phá chiến lược và tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực mạnh mẽ cho phát triển KTXH. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế so với nhiều nước trong khu vực chậm được thu hẹp…

Về phía cơ quan thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, ông Nguyễn Văn Giàu cũng đánh giá, nhiều chỉ tiêu, tiêu chí phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được, trong đó có tới 10/26 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 chỉ đạt 5,9%, thấp hơn mức 7% của giai đoạn trước; năng suất các nhân tố tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng ở mức 29%, hệ số sử dụng vốn (ICOR) còn cao, năng suất lao động so với một số nước Đông Nam Á còn thấp. Năng lực cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp chưa cải thiện nhiều; công nghiệp và dịch vụ tăng thấp hơn giai đoạn trước. Cơ cấu thu, chi ngân sách chưa phù hợp, chi thường xuyên tăng nhanh; bội chi ngân sách còn cao chưa đạt mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP, nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn...

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Giàu, tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là đầu tư công, mặc dù đã có chuyển biến tích cực, khắc phục một bước tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả, tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng kỷ luật đầu tư công vẫn là vấn đề đáng lo ngại. Thực tế cho thấy, nhiều công trình đã hoàn thành nhưng sử dụng không hiệu quả... Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản còn chậm, ứng trước vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn lớn. 

Tổng vốn đầu tư 5 năm tới ước đạt khoảng 10,6 triệu tỷ đồng

Trên cơ sở kết quả đạt được trong giai đoạn qua, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, mục tiêu tổng quát phát triển KTXH trong 5 năm tới (2016-2020) là phấn đấu ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế cao hơn so với 5 năm trước; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh...

Về mục tiêu cụ thể, Chính phủ dự kiến, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5 - 7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 - 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GDP chiếm khoảng 85%; bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 còn khoảng 4% GDP; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2020 đạt 38 - 40%...

Riêng về tổng vốn đầu tư toàn xã hội kế hoạch 5 năm tới dự kiến khoảng 9.744 - 10.676 nghìn tỷ đồng, bình quân bằng khoảng 32 - 34% GDP, trong đó, tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước khoảng 2.106 nghìn tỷ đồng (bao gồm cả phát hành trái phiếu chính phủ); vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước là khoảng 375 - 395 nghìn tỷ đồng...

Chuyên đề