Gắn vay nợ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

(BĐT) - Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), do tình trạng nợ công tích tụ nhanh chóng và những rủi ro gắn liền với nợ công, cần phải xây dựng, thực hiện các chiến lược, kế hoạch và chính sách quản lý nợ công như những bộ phận tích hợp của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội…
Đã đến thời điểm Việt Nam có thể vay một cách có chọn lọc đi liền với sử dụng vốn vay hiệu quả hơn. Ảnh: Lê Tiên
Đã đến thời điểm Việt Nam có thể vay một cách có chọn lọc đi liền với sử dụng vốn vay hiệu quả hơn. Ảnh: Lê Tiên

Một số yếu tố tác động đến nợ công

Trong một báo cáo công bố tuần qua, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, có một số yếu tố có thể tác động tới nợ công, nợ của quốc gia trong thời gian tới.

Thứ nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất làm tăng chi phí trả nợ vay của Chính phủ trong bối cảnh tỷ trọng lãi suất thả nổi có xu hướng tăng.

Thứ hai, việc tăng lãi suất USD và hiệu ứng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động lên ngân sách và nợ công trên hai phương diện. Đầu tiên, Mỹ đã áp thuế lên một số mặt hàng thương mại của Việt Nam tương tự như Trung Quốc, ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) từ sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, đồng nhân dân tệ (CNY) đã giảm giá và có thể còn tiếp tục phá giá trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang gây áp lực lên tỷ giá trong nước theo hướng giảm giá VND, từ đó tác động tới chi phí trả nợ của Chính phủ.

Thứ ba, dư nợ vay nước ngoài ngắn hạn của các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng theo hình thức tự vay tự trả nếu tăng đột biến như năm 2017 có thể ảnh hướng đến giới hạn nợ nước ngoài của quốc gia (hiện ở mức 49% GDP).

Còn theo nghiên cứu của UNDP, sự gia tăng về nợ công trong nước và nợ được Chính phủ bảo lãnh là những yếu tố chính đóng góp vào sự gia tăng nợ công và nợ Chính phủ những năm qua. Các khoản vay trong nước của Chính phủ cũng chứa đựng nhiều rủi ro khi mà hầu hết trái phiếu chính phủ (TPCP) đều do các ngân hàng thương mại nắm giữ. Ông Hồ Đình Bảo, chuyên gia của UNDP phân tích, thực trạng này dẫn đến hai rủi ro chính. Đó là suy giảm tính bền vững của các ngân hàng thương mại, bởi bất kỳ một sự sụt giảm đột ngột nào về giá trị TPCP cũng có thể gây hậu quả tiêu cực tức thời cho bảng tổng kết tài sản của các ngân hàng. Thứ hai, gia tăng khó khăn cho các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tiếp cận các nguồn tín dụng từ các ngân hàng thương mại.

UNDP nhận định, số lượng lớn TPCP trong nước có kỳ hạn không dài, chi phí huy động cao, có thể dẫn tới những nghĩa vụ thanh toán nặng nề vào một số thời điểm, vượt quá khả năng thanh toán của ngân sách nhà nước. Các khoản Chính phủ vay từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Quỹ tích luỹ để trả nợ và vốn nhàn rỗi của Kho bạc Nhà nước đã đến giới hạn, có thể ảnh hưởng đến tính thanh khoản của các định chế tài chính này. Các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước và chính quyền địa phương có bảo lãnh của Chính phủ cũng là một rủi ro đáng kể nữa...

Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, phần lớn nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong năm nay là trả nợ trong nước. Ước tính giá trị chi trả nợ của Chính phủ trong tháng 8/2018 là 4.277 tỷ đồng, lũy kế 8 tháng là 152.719 tỷ đồng. 

Quản lý nợ công một cách khôn ngoan

Đối với nợ nước ngoài, nhiều chuyên gia chỉ ra, đã đến thời điểm Việt Nam có thể vay một cách có chọn lọc và khôn ngoan, đi liền với sử dụng vốn vay hiệu quả hơn, nâng cao tính trách nhiệm của cơ quan sử dụng vốn vay.

Với nợ trong nước, UNDP cho rằng, cùng với các khoản nợ xấu, sức ép liên quan lên tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng ngày càng lớn, Chính phủ Việt Nam cần tái cấu trúc nợ trong nước và rà soát lại chiến lược vay nợ trong nước.

UNDP nhấn mạnh đến việc cần tăng cường mối liên kết giữa kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình đầu tư công trung hạn và các kế hoạch 3 năm về tài chính và ngân sách. Đồng thời, tăng cường tính đồng bộ giữa các công cụ này với các văn bản pháp luật, chính sách và quy định khác về NSNN, đầu tư công, doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, Quỹ Bảo hiểm xã hội và Kho bạc Nhà nước - với vai trò là những đơn vị nắm giữ phần lớn TPCP.

Đồng thời, tăng cường năng lực quốc gia để phân tích các cơ hội, thách thức, chi phí và rủi ro gắn liền với tất cả các nguồn nợ và vay công, dự báo và tư vấn về nhu cầu vay và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ trong tương lai, cũng như xây dựng, thực hiện các cơ chế theo dõi, giám sát, kiểm soát và quản lý rủi ro từ các khoản vay của Chính phủ...

Chuyên đề