FDI là nguyên nhân khiến Việt Nam nhập siêu lớn từ Hàn Quốc

Thay vì Trung Quốc, 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập siêu rất lớn từ Hàn Quốc với giá trị hơn 16 tỷ USD và nước này đã trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam. Nguyên nhân chính khiến Việt Nam nhập siêu lớn từ thị trường này do các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư Hàn Quốc như Samsung, LG tăng cường nhập khẩu linh phụ kiện hàng hoá nhờ ưu đãi thuế quan.
Mặc dù có sự đóng góp vào xuất khẩu lớn cho Việt Nam nhưng các DN FDI đã và đang khiến nhập khẩu và nhập siêu của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ.
Mặc dù có sự đóng góp vào xuất khẩu lớn cho Việt Nam nhưng các DN FDI đã và đang khiến nhập khẩu và nhập siêu của Việt Nam gia tăng mạnh mẽ.

Theo Hải quan Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2017, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 22,5 tỷ USD, xuất khẩu là 6,5 tỷ USD, mức nhập siêu cao nhất trong các thị trường hơn 16 tỷ USD.

Mức nhập khẩu đã tăng hơn 7 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 1,4 tỷ USD, điều này khiến cho nhập siêu của Việt Nam từ Hàn Quốc tăng từ 10 tỷ USD 6 tháng đầu năm 2016 lên 16 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2017.

Mức độ nhập siêu của Việt Nam từ thị trường Hàn Quốc đã vượt qua Trung Quốc (13 tỷ USD), nước trong nhiều năm liền Việt Nam nhập siêu lớn về hàng hoá, nguyên liệu, máy móc.

Về giá trị và hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam, theo con số thông kê của Hải quan, hàng Việt Nam nhập khẩu có giá trị cao từ Hàn Quốc là máy móc, thiết bị điện tử, linh kiện điện thoại, phụ tùng và vải nguyên liệu... Đây là những sản phẩm không khác biệt so với những hàng hoá mà Việt Nam từng nhập khẩu từ Trung Quốc thời gian qua.

Theo nhận định của Hải quan, nhập khẩu và nhập siêu Hàn Quốc gia tăng không có gì khác biệt về chất lượng hàng hoá nhập khẩu, chủ yếu chỉ là hoạt động chuyển đổi nhập khẩu các hàng hoá từ Trung Quốc sang Hàn Quốc. Điều này minh chứng việc chuyển đổi đối tác nhập khẩu của Việt Nam không thay đổi về chất, vẫn là nhập khẩu các linh kiện cho sản xuất trong nước, xuất khẩu, trong khi khu vực DN Việt chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu.

Trên thực tế, hoạt động nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã và đang tạo nên giá trị nhập khẩu rất lớn cho Việt Nam. Xét trên 5 loại hàng hoá có kim ngạch nhập khẩu cao là máy vi tính, sản phẩm điện tử, linh kiện; điện thoại di động và linh kiện, máy móc và phụ tùng; nguyên liệu cho da giày và dệt may và vải các loại... nhập khẩu của khu vực FDI đã chiếm gần 80% kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng trên của cả nước. Trong số kim ngạch nhập khẩu hơn 100 tỷ USD toàn nền kinh tế, nhập khẩu của khu vực FDI chiếm 60 tỷ USD (chiếm hơn 60% giá trị nhập khẩu).

Với lượng nhập khẩu gia tăng, 6 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu từ Hàn Quốc đã vượt qua giá trị nhập khẩu cả năm 2014 của nước này (21 tỷ USD), gần đuổi kịp con số nhập khẩu năm 2015 của Việt Nam với Hàn Quốc (27 tỷ USD) và bằng 70% kim ngạch nhập khẩu năm 2016.

Lý giải về hiện tượng gia tăng nhập siêu từ Hàn Quốc, tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2017 mới đây, Bộ Công Thương khẳng định: Lượng và giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc có liên quan trực tiếp đến các DN FDI Hàn Quốc tại Việt Nam như: Samsung, LG và nhiều công ty con khác. Hai tổ hợp nhà máy lắp ráp điện thoại lớn của Samsung tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, nhà máy của LG tại Hải Phòng đã và đang chuyển hướng nhập khẩu nhiều linh phụ kiện điện thoại, máy móc từ Hàn Quốc thay vì Trung Quốc như trước kia.

Nguyên nhân là bởi FTA Việt Nam và Hàn Quốc đã có hiệu lực, mức thuế đối với hàng hoá nhập khẩu dạng linh kiện, nguyên liệu từ Hàn Quốc sang Việt Nam được hưởng ưu đãi 0% từ năm 2017, trong khi đó nhập từ Trung Quốc vẫn chịu mức thuế nhập khẩu thông thường hoặc ưu đãi thuế quan chung ASEAN.

Chuyên đề