Đường về nơi tận cùng Tổ quốc

Ước mơ phá thế 'ốc đảo' bao đời của người dân hai huyện cuối cùng Tổ quốc là Đầm Dơi và Ngọc Hiển (Cà Mau) nay đã thành hiện thực khi tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn - Đất Mũi) thông xe kỹ thuật và cầu Hòa Trung được khánh thành.
Cắt băng khánh thành cầu Hòa Trung - Ảnh: Gia Bách
Cắt băng khánh thành cầu Hòa Trung - Ảnh: Gia Bách

Ngày 16.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng lãnh đạo các bộ, ngành T.Ư, địa phương đã dự lễ khánh thành và thông xe cầu Hòa Trung nối TP.Cà Mau với H.Đầm Dơi, thông xe kỹ thuật dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn - Đất Mũi) qua địa bàn hai huyện Năm Căn và Ngọc Hiển. Đây là hai dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, tăng cường củng cố an ninh, quốc phòng vùng ĐBSCL nói chung và Cà Mau nói riêng.

Thỏa ước mơ

Cầu Hòa Trung bắc qua sông Gành Hào có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 1.200 m, trong đó chiều dài cầu hơn 600 m, đường dẫn dài 660 m, được xây dựng bằng bê tông cốt thép với tổng vốn đầu tư khoảng 383 tỉ đồng.

Cầu bắt đầu thi công từ tháng 7.2015, do Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư. Ông Nguyễn Hải Âu, ngụ ấp Trung Can (xã Tân Trung, H.Đầm Dơi), vui mừng nói: “Trước đây, muốn qua sông phải đi phà mất hơn 15 phút, nếu gặp lúc sông có sóng to, gió lớn thì phải mất hơn 20 phút. Nên ngày khởi công làm cầu, tôi và bà con xung quanh mừng lắm, cứ trông ngóng tới ngày hoàn thành. Bây giờ chúng tôi đi ra TP.Cà Mau bằng xe máy chỉ mất 20 phút, chứ không như trước phải mất thời gian gấp đôi”.

Còn bà Lê Thị Thoa, láng giềng ông Âu, nói: “Tết này, mọi người có thể đưa người thân ra TP.Cà Mau xem bắn pháo hoa, du xuân mà không phải lụy phà nữa. Hay người thân ốm đau, chạy vèo đến bệnh viện không phải í ới gọi phà giữa đêm khuya”.

Ông Nguyễn Chí Thuần, Chủ tịch UBND H.Đầm Dơi, cho biết: “Cầu Hòa Trung sẽ là đòn bẩy giúp kinh tế, xã hội của Đầm Dơi phát triển, nhất là thuận lợi trong kêu gọi, thu hút đầu tư”.

Bà Lê Thị Thoa vui mừng khi cầu Hòa Trung được thông xe

Thoát cảnh "ốc đảo"

Dự án đường Hồ Chí Minh (đoạn Năm Căn - Đất Mũi) được khởi công tháng 5.2009, với tổng mức đầu tư khoảng 3.932 tỉ đồng từ vốn trái phiếu chính phủ, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 51,3 km, từ TT.Năm Căn (H.Năm Căn) đến Khu du lịch Đất Mũi (xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển). Việc thông xe tuyến đường này góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và du lịch, nâng cao đời sống người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng của Cà Mau nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân cả nước mỗi khi về thăm mảnh đất tận cùng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Chí An, ngụ xã Đất Mũi, nói: “Đường Hồ Chí Minh đi cắt ngang phần vuông nuôi tôm của tôi nhưng tôi vẫn vui vẻ, vì ở xứ “khỉ ho cò gáy” này có đường là niềm mơ ước từ đời ông, cha chúng tôi”. Với bà Hai Lẽn thì: “Con trai, con dâu tôi đã dành tiền mua xe máy để chạy. Muốn đi đâu có đường, có xe tiện lợi vô cùng”. Ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND H.Ngọc Hiển, chia sẻ: “Khi bắt đầu khởi công tuyến đường Hồ Chí Minh là người dân đã nôn nao chờ ngày thông xe. Nỗi khao khát bao đời của người dân sống trong cảnh bị cô lập như “ốc đảo” ven biển đã được giải tỏa”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các đơn vị thi công khi vượt qua nhiều khó khăn để thông xe hai dự án đúng tiến độ đã cam kết. Thủ tướng yêu cầu Cà Mau tiếp tục phát huy lợi thế, tiềm năng để vùng đất cuối cùng của đất nước phát triển nhanh, bền vững, cải thiện tốt hơn mọi mặt đời sống người dân. Riêng Bộ GTVT tiếp tục bằng các cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu đường bộ cho cả nước.

Xây dựng cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau

* Động thổ dự án Nhà máy điện gió Khai Long

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự lễ động thổ xây dựng công trình biểu tượng cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau và dự án Nhà máy điện gió Khai Long - Cà Mau giai đoạn 1 (ấp Khai Long, xã Đất Mũi, H.Ngọc Hiển).

Theo đó, công trình biểu tượng cột cờ Hà Nội tại mũi Cà Mau được xây dựng tại khu vực cột mốc tọa độ quốc gia GPS 001, nằm trong Khu công viên văn hóa du lịch mũi Cà Mau. Công trình gồm 3 tầng đế và một thân cột cao 33,4 m (nếu tính cả cán cờ thì tổng chiều cao lên đến 41,4 m), với tổng kinh phí xây dựng 140 tỉ đồng.

Nhà máy điện gió Khai Long - Cà Mau (giai đoạn 1) có công suất 100 MW, diện tích sử dụng đất và mặt biển 2.165 ha, tổng mức đầu tư 5.519 tỉ đồng (không bao gồm đường dây 110 kV đấu nối), thời gian thực hiện 2016 - 2018. Dự án có 50 trụ tua bin gió, công suất mỗi tua bin 2 MW.

Chuyên đề