Dự luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Nhiều ý kiến khác nhau về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực

(BĐT) - Ngày 13/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).
Ảnh: Quochoi.vn
Ảnh: Quochoi.vn

Ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đều tán thành sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng với những lý do được nêu trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp để khắc phục hạn chế bất cập của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và thể chế hóa kịp thời các quan điểm của Đảng về công tác phòng chống tham nhũng. Đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới và phù hợp với cam kết quốc tế về phòng, chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Về phạm vi điều chỉnh của dự án luật nhiều ý kiến tán thành việc mở rộng từng bước phạm vi điều chỉnh của dự án luật sang khu vực ngoài nhà nước để bảo đảm tính toàn diện của công tác phòng chống tham nhũng. Một số ý kiến đề nghị cần làm rõ hơn sự cần thiết, khả năng đáp ứng nguồn lực, tính khả thi cho việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật này sang khu vực ngoài nhà nước.

Về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây là vấn đề lớn đang còn ý kiến khác nhau trong ngày thảo luận hôm nay. Đa số đại biểu Quốc hội tán thành với phương án 2 của dự thảo luật là giao cho nhiều cơ quan khác nhau kiểm soát tài sản thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại các cơ quan, ngành mình. Vì phương án này vừa tăng cường được tính tập trung, đồng thời cũng khắc phục được một bước việc tổ chức, kiểm soát tài sản, thu nhập dàn trải như vừa qua.

Cũng có nhiều ý kiến tán thành với phương án 1 để bảo đảm thẩm quyền kiểm soát được tập trung hơn, nhất là đối tượng có nghĩa vụ kê khai là người giữ chức vụ từ giám đốc sở trở lên để bảo đảm khách quan, có điều kiện tập trung nhân lực, vật lực cho việc đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách, có trình độ, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Vì Thanh tra Chính phủ cũng là cơ quan theo dự thảo luật là cơ quan quản lý thống nhất dữ liệu quốc gia về kê khai tài sản.

Nhưng cũng có ý kiến đề nghị, phải thành lập một cơ quan chuyên trách độc lập để kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, để bảo đảm tính khách quan, minh bạch trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát tài sản thu nhập.

Xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc cũng là vấn đề còn nhiều ý kiến rất khác nhau.

Đa số ý kiến tán thành với phương án 1 của dự thảo luật là xử lý thông qua thu nhập thuế cá nhân, nhưng đề nghị cân nhắc mức thuế suất cho phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân và tình hình thực tiễn hiện nay, cũng như rà soát pháp luật liên quan để đảm bảo sự thống nhất.

Một số ý kiến tán thành phương án 2 là xử phạt hành chính đối với hành vi không trung thực, minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm. Nhưng cũng đề nghị cân nhắc mức phạt cho phù hợp, hạn chế việc phải sửa đổi nhiều luật khác có liên quan.

Cũng có ý kiến đề nghị, cho dù áp dụng phương thức xử lý nào thì cũng phải có trình tự, thủ tục, tố tụng tư pháp để đảm bảo tính khách quan, minh bạch do vấn đề này có liên quan đến quyền sở hữu cá nhân của tổ chức, cơ quan theo quy định của Hiến pháp.

Ngoài ra, còn nhiều ý kiến đại biểu phát biểu về nội dung chi tiết của dự thảo luật như về các hành vi tham nhũng, các thuật ngữ trong dự thảo luật, các hành vi bị nghiêm cấm, về trách nhiệm giải trình, về quy tắc ứng xử tặng quà, nhận quà tặng, về chuyển đổi vị trí công tác, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập...

Chuyên đề