Đủ cơ sở để hình thành đặc khu kinh tế

(BĐT) - Theo kế hoạch làm việc, chiều nay (10/11), Quốc hội sẽ chính thức nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (ĐVHCKTĐB). 
Để tạo sự đột phá, cần phát huy được thế mạnh, khai thác tiềm năng của địa phương có đặc khu kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Để tạo sự đột phá, cần phát huy được thế mạnh, khai thác tiềm năng của địa phương có đặc khu kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Trong Tọa đàm về Dự án Luật được tổ chức chiều ngày 8/11, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc xây dựng Dự án Luật ĐVHCKTĐB, vì đã có đủ các cơ sở về chính trị, pháp lý và điều kiện thực tế. 

Không ưu đãi dàn trải

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trình bày Báo cáo giới thiệu quá trình xây dựng Dự án Luật ĐVHCKTĐB; Báo cáo về chỉ đạo của Chính phủ với 3 địa phương xây dựng 3 đề án thành lập ĐVHCKTĐB.

Về quá trình xây dựng Dự án Luật, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Dự án Luật được nghiên cứu, chuẩn bị từ năm 2014, sau khi Bộ Chính trị đồng ý chủ trương xây dựng các đề án thành lập ĐVHCKTĐB. Dự án Luật và hồ sơ liên quan hiện đã hoàn thành công tác chuẩn bị theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Luật quy định các cơ chế, chính sách đặc biệt về kinh tế - xã hội; thủ tục đầu tư kinh doanh; tiếp cận và sở hữu đất đai; phát triển kết cấu hạ tầng; ưu đãi thuế và đất đai; phát triển ngành du lịch và dịch vụ; phát triển nguồn nhân lực; tổ chức chính quyền địa phương, tổ chức tòa án nhân dân và các cơ quan khác của Nhà nước tại ĐVHCKTĐB vượt trội so với các quy định áp dụng với khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế theo quy định hiện hành.

“So sánh trên 9 tiêu chí khác nhau, thì hầu hết có ưu đãi cao hơn, thuận lợi hơn so với các đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Myanmar. Tuy nhiên, cũng không có ưu đãi dàn trải để hạn chế cạnh tranh trong thu hút đầu tư giữa các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với nhau, giữa các đơn vị này với các mô hình khác ở nước ta hiện nay”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định. 

Hình thành đặc khu để tránh vuột mất cơ hội

Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật này, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với việc xây dựng dự án Luật ĐVHCKTĐB, vì đã có đủ các cơ sở về chính trị, pháp lý và điều kiện thực tế. Thực tế, chủ trương xây dựng chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho một số địa phương bứt phá đã được đưa vào các Nghị quyết từ Đại hội V của Đảng đến nay. Tên gọi “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” cũng được quy định trong các bản Hiến pháp (từ Hiến pháp năm 1980 đến nay). Trên thực tế, nước ta cũng có kinh nghiệm xây dựng đặc khu từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp, nhất là trong 30 năm đổi mới vừa qua.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng, việc xây dựng và phát triển các ĐVHCKTĐB đã được “thai nghén” trong thời gian dài, nên phải xây dựng cho được đạo luật này, tránh vuột mất cơ hội. Nhiều ý kiến cũng đề nghị, Chính phủ cần giải trình rõ tính đặc biệt trên bình diện hành chính và kinh tế của ĐVHCKTĐB, nhằm giúp đại biểu Quốc hội hiểu chính xác hơn về mô hình này. Các địa phương cung cấp thêm thông tin về sự chuẩn bị cho quá trình vận hành các ĐVHCKTĐB Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội với phóng viên Báo Đấu thầu, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhấn mạnh, quan trọng nhất trong việc tạo sự đột phá của các ĐVHCKTĐB là tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị phải theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đúng theo tinh thần Hội nghị Trung ương lần thứ 6. Thứ hai, là phát huy được thế mạnh, khai thác tiềm năng của địa phương có ĐVHCKTĐB. “Chúng ta không nên thi đua ưu đãi, nhìn các tỉnh khác, các nước xung quanh ưu đãi như thế nào để mà ưu đãi nhiều hơn. Bởi, khi ưu đãi nhiều hơn thì không hẳn các nhà đầu tư đã đến với mình. Việc nhà đầu tư đến với chúng ta còn phụ thuộc vào địa chính trị, địa kinh tế”, đại biểu Ngân phân tích.

Ngoài ra, đại biểu Ngân cho biết, ông ủng hộ phương án tinh gọn nhất là tổ chức bộ máy ở ĐVHCKTĐB không có HĐND mà chỉ có Trưởng ĐVHCKTĐB. Khi đó, Trưởng ĐVHCKTĐB sẽ có những quyết định nhanh, gọn khi được trao những quyền hạn cụ thể. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý về cơ chế giám sát đặc biệt để chống lạm quyền và phải học hỏi kinh nghiệm từ các đặc khu khác trên thế giới về tổ chức bộ máy và cơ chế giám sát.

Chuyên đề