Đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ

(BĐT) - Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ và xác định cán bộ, nhất là cấp chiến lược là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. 
Tại Hội nghị Trung ương 9, Khóa XII, Trung ương đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XII. Ảnh: Nhật Bắc
Tại Hội nghị Trung ương 9, Khóa XII, Trung ương đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XII. Ảnh: Nhật Bắc

Vì vậy, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã xác định một trong ba vấn đề cấp bách nhất về xây dựng Đảng hiện nay là: xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và chủ động hội nhập quốc tế. Đại hội XII của Đảng cũng xác định, việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, là nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong nhiệm kỳ.

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, nghị quyết và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao.

Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là một nghị quyết đặc biệt quan trọng, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện, đồng bộ công tác cán bộ và xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Như vậy, Nghị quyết số 26-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là Chiến lược cán bộ của Đảng trong thời kỳ phát triển mới của đất nước để thực hiện đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, làm sáng tỏ những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đã bổ sung, sửa đổi và ban hành mới nhiều quy định, quy chế, quy trình nhằm từng bước hoàn thiện thể chế về công tác cán bộ để thực hiện, như: Quy định số 55-QĐ/TW về một số việc cần làm ngay để thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 89-QĐ/TW về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; Quy định số 90-QĐ/TW về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá đối với cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý; Quy định số 98-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ; Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý đảng viên vi phạm; Quy định số 105-QĐ/TW về phân cấp quản lý và giới thiệu cán bộ ứng cử; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thành lập nhiều đoàn công tác tiến hành kiểm tra, giám sát việc triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác tổ chức cán bộ. Qua đó, biểu dương những nơi làm tốt, phê bình những nơi chưa làm tốt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo quyết liệt cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có đặc quyền”. Đã tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm một số vụ việc nổi cộm, bức xúc ở một số địa phương, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài sản của Nhà nước. Nhiều cán bộ, đảng viên ở các cấp, trong đó có hơn 60 cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Trung ương quản lý, cả đương chức và nguyên chức phải xử lý kỷ luật, thậm chí bằng pháp luật, thu hồi nhiều tài sản về cho Nhà nước, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng.

Nhằm cụ thể hóa việc xây dựng Đảng về đạo đức, đưa việc nêu gương cán bộ, đảng viên trở thành nền nếp thường xuyên và đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên và quy định cụ thể 8 nội dung từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện; 8 nội dung từng đồng chí phải nghiêm khắc với chính mình và kiên quyết chống.

Để chủ động chuẩn bị một bước công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, Ban Chấp hành Trung ương đã thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, trong đó Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban. Bộ Chính trị đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, gồm 6 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.

Ban Chấp hành Trung ương đã bỏ phiếu kín giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026, không đặt ra việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước các nhiệm kỳ tiếp theo. Việc quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII được tiến hành với phương châm làm từng bước, từng việc thận trọng, kỹ lưỡng, chắc chắn, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch; quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương mới quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sau đó mới quy hoạch đến các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước.

Cùng với việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026,  Trung ương đã lấy phiếu tín nhiệm đối với các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư khóa XII. Đây cũng là một kênh tham khảo quan trọng để giúp Bộ Chính trị có cơ sở nhận xét, đánh giá cán bộ khách quan, chính xác hơn. Việc lấy phiếu tín nhiệm của Trung ương lần này được chỉ đạo chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo và tiến hành nghiêm túc, đúng các quy định của Đảng, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước Đảng, trước nhân dân.

Chuyên đề