Đo tác động của giá dầu thấp đến nền kinh tế

(BĐT) - Năm 2015 giá dầu thế giới trung bình xoay quanh mốc 50 USD/thùng. Cuối năm 2015, nhiều chuyên gia các nước dự đoán giá dầu sẽ dần dần tăng trở lại vào năm 2016. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Tuy nhiên, ngược lại với các dự đoán này, ngay từ đầu năm 2016 giá dầu tiếp tục giảm mạnh. Gần nhất, giá dầu Brent chỉ còn dưới 30 USD/thùng (15/1).

Theo các chuyên gia năng lượng và kinh tế thế giới, giá dầu giảm mạnh là do những nhân tố khách quan tác động đến. Trước hết là do nền kinh tế toàn cầu đã phát triển với tốc độ chậm lại; do lượng dự trữ dầu của thế giới đang thừa trầm trọng (chỉ riêng lượng dự trữ dầu và sản phẩm xăng dầu của Mỹ đã đạt tới mức kỷ lục là 1,3 tỷ thùng); do các nước trong tổ chức OPEC tiếp tục tăng sản lượng dầu nhằm bảo vệ thị phần của mình và cạnh tranh với các nhà sản xuất của Mỹ; đặc biệt là sự xuất hiện trở lại của Iran, sau khi thoát khỏi lệnh cấm vận của phương Tây, có thể tung vào thị trường thế giới ít nhất là 500.000 thùng dầu mỗi ngày…

Tóm lại, do cung lớn hơn cầu rất nhiều nên xu hướng giá dầu thế giới còn có thể giảm mạnh trong thời gian tới, nhiều chuyên gia và các tổ chức dự báo có thể giảm tới 25 USD/thùng, thời gian trước mắt sẽ ở mốc khoảng 30 USD/thùng cho tới khi có thể phục hồi vào giữa năm 2016.

Việt Nam là nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu dầu nên ảnh hưởng của việc giảm giá dầu thế giới đến kinh tế Việt Nam theo hai chiều tích cực và tiêu cực. TS. Lương Văn Khôi - Trưởng ban kinh tế thế giới Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH&ĐT) cho rằng: “Việt Nam là nước xuất khẩu dầu nên giá dầu giảm làm giảm nguồn thu từ khai thác dầu; mặt khác, là nước nhập khẩu dầu thành phẩm để phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước nên giá dầu giảm cũng giúp cho Việt Nam giảm chi phí nhập khẩu dầu, đồng thời giảm chi phí đầu vào đối với sản xuất, thúc đẩy hoạt động sản xuất, dẫn đến GDP được cải thiện”.

Cũng theo kết quả nghiên cứu từ nhóm của TS. Khôi, năm 2015, giá dầu giảm xuống quanh mốc 50 USD/thùng thì nguồn thu ngân sách giảm 6.600 tỷ đồng nhưng GDP lại tăng 0,48%, trong trường hợp giá dầu giảm xuống 40 USD/thùng thì nguồn thu giảm thêm 1.100 tỷ đồng nhưng GDP lại tăng khoảng 0,61%, nếu giá dầu giảm xuống 30 USD/thùng thì nguồn thu sẽ giảm 8.700 tỷ đồng nhưng GDP lại tăng 0,75%. Nếu lãi suất cho vay giảm 1% cùng với việc Bộ Tài chính tăng 1% thuế giá trị gia tăng (VAT) thì GDP sẽ tăng thêm bù vào việc giảm nguồn thu do giảm giá dầu là 3.100 tỷ đồng với giá dầu ở mức 50 USD/thùng và lần lượt là 4.100 tỷ đồng và 5.230 tỷ đồng ở các mức giá 40 USD/thùng và 30 USD/thùng. Như vậy, xét trên tổng thể thì giá dầu thế giới giảm sẽ không ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế Việt Nam.

Theo ý kiến một số chuyên gia kinh tế, đối với các doanh nghiệp trong nước, khi giá dầu giảm sẽ có những lợi thế sau: Có điều kiện giảm chi phí đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận và thu nhập của người lao động. Là cơ hội để tái cơ cấu, phát triển sản xuất, mở rộng quy mô đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và hội nhập quốc tế, tăng khả năng xuất khẩu vào các thị trường truyền thống , vào các đối tác trong VEFTA và TPP.              

Chuyên đề