Đo lường đầy đủ hơn quy mô GDP

(BĐT) - Trong năm 2017, theo đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thì việc xây dựng kịch bản tăng trưởng các quý chi tiết cho từng khu vực và từng ngành kinh tế, đồng thời đề xuất các giải pháp báo cáo Chính phủ, Thủ tướng… làm căn cứ để chỉ đạo, điều hành là một trong những thành tích nổi bật trong công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp chưa được đo lường khi tính toán quy mô GDP. Ảnh: Nhã Chi
Hoạt động kinh tế ngầm và kinh tế phi pháp chưa được đo lường khi tính toán quy mô GDP. Ảnh: Nhã Chi

Làm tốt công tác tham mưu tổng hợp

Trong năm 2017, đứng trước tình hình tăng trưởng kinh tế quý I đạt mức thấp, dẫn đến nguy cơ mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm khó đạt được mức 6,7% đã được Quốc hội thông qua. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) xây dựng kịch bản tăng trưởng các quý tiếp theo chi tiết cho từng khu vực và từng ngành kinh tế cấp II trọng điểm, đồng thời đề xuất các giải pháp báo cáo Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ… làm căn cứ để chỉ đạo, điều hành.

Có thể nói, năm 2017 lần đầu tiên Chính phủ có kịch bản tăng trưởng cụ thể làm căn cứ chỉ đạo, điều hành, góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ năm 2017 của Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, Bộ KH&ĐT đã làm tốt công tác tham mưu tổng hợp, thể hiện được vai trò trong việc tham mưu điều hành kinh tế vĩ mô. Bộ đã tham mưu cho Chính phủ để có cơ chế, chính sách, giải pháp giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các kế hoạch cụ thể trong từng lĩnh vực.

Mặt khác, việc cung cấp các thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác là một yếu tố quyết định tính khả thi của các giải pháp, chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Do đó, có thể nói ngành thống kê đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm thông tin thống kê kinh tế - xã hội phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ và các cấp, các ngành cũng như nhu cầu thông tin thống kê của các tổ chức, cá nhân khác trong nước và quốc tế.

Trong năm 2018, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hệ thống thống kê và cơ quan nghiên cứu của Bộ KH&ĐT tiếp tục xây dựng kịch bản tăng trưởng nhằm phục vụ mục tiêu đạt được chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra. Không để các bộ, ngành, địa phương “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”. Cùng với đó, cần xây dựng báo cáo phân tích kinh tế vĩ mô hàng tháng, quý, báo cáo Chính phủ những giải pháp lớn để thực hiện. 

Đo đếm kinh tế ngầm, kinh tế phi pháp

Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ KH&ĐT, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2018, Tổng cục sẽ hoàn chỉnh cách tính toán quy mô GDP trên cơ sở kết quả của Tổng điều tra nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2016, Tổng điều tra kinh tế năm 2017.

Đặc biệt, cơ quan này sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm thu thập đầy đủ thông tin của các hoạt động kinh tế thực tế đang diễn ra và ảnh hưởng đến quy mô nền kinh tế nhưng chưa được đo lường và tính toán đầy đủ trong GDP.

Khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: hoạt động kinh tế ngầm; hoạt động kinh tế phi pháp; hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế hộ gia đình tự sản tự tiêu; hoạt động kinh tế bị bỏ sót do chương trình thu thập dữ liệu cơ bản. Trong 5 thành tố nêu trên, Tổng cục Thống kê đã thu thập và tính toán cho 3 thành tố nêu sau cùng.

Ông Lâm cho biết, hoạt động kinh tế ngầm bao gồm các hoạt động kinh tế hợp pháp nhưng bị giấu giếm một cách chủ ý nhằm tránh thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, với người lao động và với xã hội, và tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính như thực hiện báo cáo tài chính, báo cáo thống kê. Hoạt động kinh tế phi pháp bao gồm các hoạt động kinh tế bị pháp luật cấm (sản xuất và buôn bán ma túy, hoạt động mại dâm,…); các hoạt động kinh tế hợp pháp không bị pháp luật cấm nhưng do các nhà sản xuất trái phép thực hiện.

Đối với 2 thành tố này, cơ quan thống kê rất khó thu thập thông tin để tính toán. Do đó, sau khi Đề án được Thủ tướng phê duyệt, Tổng cục Thống kê  sẽ cùng với các bộ, ngành và địa phương tìm giải pháp có tính khả thi để triển khai thực hiện, sẽ từng bước tính toán đầy đủ hơn quy mô GDP trong những năm tới.

Nhấn mạnh đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, kinh tế không chính thức ở Việt Nam hiện còn rất lớn. Bộ KH&ĐT cần phải giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ làm rõ vấn đề này để có được số liệu chính thức của Nhà nước.

Chuyên đề