Điều hành giá năm 2017 cần tránh áp lực lạm phát những năm tiếp theo

Đối với nhiệm vụ của công tác điều hành giá trong 6 tháng cuối năm 2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát còn cần phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tránh tạo lạm phát kỳ vọng và tạo độ trễ áp lực lạm phát cho năm 2018 và các năm tiếp theo.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Ngày 19/7, sau khi tổng hợp lại, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có văn bản thông báo kết luận chính thức của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá đầu tháng 7/2017.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo điều hành giá khẳng định, công tác chỉ đạo điều hành giá 6 tháng đầu năm 2017 đã có sự phối hợp điều hành chặt chẽ và chủ động giữa các bộ, ngành, địa phương dưới sự chỉ đạo quyết liệt và sâu sát của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đã dự báo và điều hành giá sát với kịch bản dự báo nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát theo chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Đối với nhiệm vụ của công tác điều hành giá trong 6 tháng cuối năm 2017, lãnh đạo Ban Chỉ đạo điều hành giá cho rằng, bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát còn cần phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tránh tạo lạm phát kỳ vọng và tạo độ trễ áp lực lạm phát cho năm 2018 và các năm tiếp theo.

Phương hướng công tác điều hành giá chung từ nay đến cuối năm là tiếp tục kiên trì theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, Nhà nước quản lý giá chủ yếu trên cơ sở điều hòa quan hệ cung cầu. Công tác điều hành giá vừa phải bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát vừa phải thực hiện được mục tiêu đưa giá các dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục) theo lộ trình giá thị trường, đồng thời tập trung đặc biệt cho hỗ trợ tăng trưởng. Cần tiếp tục nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của Ban Chỉ đạo điều hành giá, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành thành viên.

Theo đó, về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Điều hành tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6%. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.

Về điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu, như với giá điện thì Bộ Công Thương hoàn thiện lại phương án điều chỉnh giá điện tính đến tác động tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế, đề xuất kịch bản điều hành giá điện trong năm 2017 theo hướng hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Căn cứ vào diễn biến của nền kinh tế đến hết quý III năm 2017 để tính toán các phương án điều chỉnh giá điện, trường hợp cần thiết phải tăng giá điện cần cân nhắc điều chỉnh ở mức thấp nhất có thể đồng thời kết hợp đồng bộ với các giải pháp hỗ trợ tăng trưởng khác để bù đắp cho mức giảm tốc độ tăng GDP tương ứng.

Với giá than, Bộ Tài chính tiếp tục kiểm tra, rà soát, chủ trì hiệp thương giá than cho sản xuất điện nếu các bên không thỏa thuận được mức giá than bán cho sản xuất điện khi hết thời gian thực hiện mức giá tạm thời (ngày 31/8/2017) tại Quyết định số 699/QĐ-BTC của Bộ Tài chính. Với giá xăng dầu, Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ, có tính toán mức độ tác động đến lạm phát kết hợp sử dụng quỹ bình ổn giá với liều lượng phù hợp.

Ngoài ra, Thông báo cũng nêu rõ phương án điều hành giá cụ thể đối với một số mặt hàng khác như: Giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT; Giá dịch vụ đào tạo; Giá dịch vụ hàng không; Giá dịch vụ tại cảng biển; Giá dịch vụ sử dụng đường bộ BOT; Giá thuốc chữa bệnh cho người; Giá mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo điều hành giá cũng yêu cầu, tổ điều hành kinh tế vĩ mô (Bộ Tài chính, NHNN Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê) phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường khả năng dự báo, tiếp tục chủ động trong việc xây dựng các kịch bản điều hành giá và tính toán tác động tới lạm phát và tăng trưởng kinh tế để kịp thời có biện pháp điều hành phù hợp, đạt mục tiêu quản lý giá trong 6 tháng cuối năm 2017 đã đề ra.

Theo Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 năm 2017 tiếp tục giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2016, bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước. CPI tháng 6 năm 2017 so với tháng 12 năm 2016 chỉ tăng 0,2%. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 1,52%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch cả năm (trong khoảng 1,6%-1,8%).

Về diễn biến lạm phát vừa qua, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh sức ép lạm phát đang gia tăng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2017 là 6,7% là một thách thức không nhỏ. Cần đặc biệt chú ý, đó là sẽ khó kiểm soát lạm phát nếu kích thích tăng trưởng không phù hợp. Các chuyên gia cho rằng, cần hạn chế dùng chính sách tài khóa để kích cầu, bởi dùng chính sách này sẽ kèm theo không ít rủi ro, gây áp lực lớn cho mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Thay vào đó, để có thể đạt được mức tăng trưởng bền vững, giải pháp quan trọng nhất là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tập trung vào những giải pháp mang tính dài hạn như nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước (DNNN), xử lý nợ xấu.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần tiếp tục tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng giữa các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế; giảm thiểu các thủ tục hành chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là loại bỏ bớt các giấy phép con không cần thiết nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.

Chuyên đề