Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017: 3 thành công, 5 thành tựu của nền kinh tế 2017

(BĐT) - Tại Diễn đàn Phát triển Việt Nam 2017, thông tin tới các đối tác phát triển về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2017, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tóm lược trong 3 thành công và 5 thành tựu chủ yếu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tóm lược 3 thành công tại Diễn đàn VDF 2017. Ảnh: Lê Tiên
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tóm lược 3 thành công tại Diễn đàn VDF 2017. Ảnh: Lê Tiên

3 thành công

Thành công đầu tiên là kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, các cân đối lớn đảm bảo, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước những biến động của kinh tế thế giới. Bộ trưởng điểm lại, lần đầu tiên sau 10 năm Việt Nam đạt và vượt 13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô dều đạt ở mức rất tích cực. Đặc biệt mục tiêu khó khăn nhất là GDP tăng trưởng 6,7% đã đạt được và là mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Lạm phát thấp, tín dụng tăng trưởng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền inh tế, mặt bằng lãi suất và tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, thu chi ngân sách ổn định, bội chi ngân sách ở mức thấp khoảng 3,5% so với GDP. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tương đương 33,42% GDP, tăng so với kế hoạch nhờ huy động tốt nguồn vốn đầu tư tư nhân và vốn FDI. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu vượt 200 tỷ USD, cán cân thương mại chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu.

Thành công thứ hai là công tác lãnh đạo chỉ đạo điều hành đã có nhiều chuyển biến tích cực.

thành công lớn thứ ba là củng cố được lòng tin của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế vào sự ổn định và phát triển của đất nước. Điều này thể hiện rõ qua số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, nguồn vốn đăng ký đầu tư vào nền kinh tế từ khu vực doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đều đạt những kết quả ấn tượng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tóm lược 5 thành tựu tại Diễn đàn VDF 2017. Ảnh: Lê Tiên

5 thành tựu

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thành tựu đầu tiên phải kể đến là về kinh tế với sự tăng trưởng toàn diện trong tất cả các lĩnh vực trọng tâm là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; chất lượng tăng trưởng có sự cải thiện tích cực, nền kinh tế phát triển đúng hướng. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức tăng cao đã bù đắp mức sụt giảm sâu của ngành khai khoáng và dần trở thành động lực tăng trưởng mới. Môi tường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cải thiện, được quốc tế đánh giá cao.

Các chính sách về xã hội được thực hiện kịp thời, góp phần ổn định xã hội là thành tựu thứ hai của nền kinh tế. Tiếp đến là thành tựu thứ ba trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí cho doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước.

Thành tựu thứ 4 được Bộ trưởng Dũng đúc kết là trong năm qua đã thực hiện được những chính sách lớn về cơ cấu lại nền kinh tế và 3 đột phá chiến lược. Đáng chú ý là kế hoạch đầu tư công trung hạn và triển khai mạnh mẽ xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng, cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém. Các bộ, ngành, địa phương đã triển khai nhanh các hành động cơ cấu kinh tế. Nhiều công trình, dự án quy mô lớn được đẩy mạnh công tác chuẩn bị để đầu tư trong thời gian tới.

Thành tựu thứ 5 đạt được trong việc giữ vững an ninh chính trị, nâng cao vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, công tác ngoại giao đối ngoại có nhiều kết quả tích cực.

Vẫn còn nhiều việc phải làm trong năm 2018

Tuy đạt được nhiều kết quả nhưng Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức cần giải quyết năm 2018.

Đó là tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, mục tiêu năm sau là cần có chuyển biến rõ nét. Đó là chất lượng nền kinh tế tuy được cải thiện nhưng mới ở mức thấp, và năm 2018 phải có đổi mới mô hình tăng trưởng một cách thực chất hơn.

Vấn đề lớn đặt ra cho năm 2018 còn là làm sao để thực thi hệ thống pháp luật một cách quyết liệt ở cấp cơ sở, khắc phục triệt để tình tạng trên nóng dưới lạnh, đảm bảo thực thi pháp luật thông suốt từ trung ương đến địa phương.

Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng gửi đi 4 thông điệp chính từ Diễn đàn. Sự ổn định về kinh tế vĩ mô là rất quan trọng để tiếp tục thực hiện các chính sách đặt ra; củng cố các yếu tố thể chế, tận dụng các cửa sổ cơ hội tốt để đẩy mạnh hơn nữa cải cách; phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý đầu tư công hiệu quả; tăng cường đầu tư vào nguồn vốn con người và khoa học công nghệ để tăng năng suất của người lao động, tăng năng suất của toàn nền kinh tế.

Chuyên đề