Điểm sáng kinh tế đầu năm

(BĐT) - Năm 2017 được coi là năm then chốt, cũng là năm triển khai nhiều quyết sách lớn để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. 
Vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 1/2017 đạt 1,013 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký. Ảnh: Lê Tiên
Vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 1/2017 đạt 1,013 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký. Ảnh: Lê Tiên

Tháng đầu tiên của năm 2017 đã qua đi với nhiều kết quả tích cực, tiếp sức cho một năm nền kinh tế Việt Nam phải đối diện, phải vượt qua nhiều thách thức để đạt được các mục tiêu đã đề ra. 

Những khởi đầu tích cực của năm 2017

Đạt mức kỷ lục trong năm 2016, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế tháng đầu năm 2017. Trái với nhiều dự báo về FDI vào Việt Nam sẽ bị tác động mạnh từ việc TPP khó thành hiện thực, xu hướng mạnh lên của đồng USD…, kết quả tháng 1 cho thấy nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ niềm tin vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Từ đầu năm đến thời điểm 20/1/2017, đã có 175 dự án FDI cấp phép mới, với số vốn đăng ký đạt 1,243 tỷ USD, tăng 37,8% về số dự án và tăng 23% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, có 76 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với số vốn tăng thêm đạt 179,2 triệu USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung đạt 1,423 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện tháng 1/2017 ước tính đạt 850 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016.

Nguồn vốn này cũng tiếp tục dồn vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, với số vốn đăng ký cấp mới trong tháng đạt 834,9 triệu USD, chiếm 67,1% tổng vốn đăng ký cấp mới. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước, tổng vốn FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 1/2017 đạt 1,013 tỷ USD, chiếm 71,2% tổng vốn đăng ký.

Thông tin tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, nhiều chỉ tiêu kinh tế tháng 1/2017 đều tăng so với cùng kỳ năm 2016, như tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 9,9%; kim ngạch xuất khẩu tháng 1/2017 ước đạt 14,6 tỷ USD, tăng 7,6%; cả nước có 8.990 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký đạt 90,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,1% về số doanh nghiệp và tăng 52,3% về số vốn đăng ký, với số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10 tỷ đồng, tăng 40,9%...

Bên cạnh đó, mặc dù là tháng Tết song chỉ số giá tiêu dùng tháng 1/2017 tăng thấp (0,46%). Mặt bằng lãi suất thị trường cơ bản được giữ ổn định. Cung cầu ngoại tệ được đảm bảo, cơ chế tỷ giá trung tâm tiếp tục phát huy hiệu quả giúp hạn chế các cú sốc bên ngoài và giảm găm giữ ngoại tệ, ổn định tỷ giá. 

Tiếp tục xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính

Khởi đầu tích cực có thể xem là một động lực để tiếp tục vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2017 nói riêng, chặng đường phía trước của nền kinh tế nói chung. Như Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, rất nhiều vấn đề, nhiều câu hỏi vẫn làm chúng ta trăn trở, tìm lời giải đáp. Con đường phía trước còn rất nhiều thách thức, đó là kinh tế bị tụt hậu, là làm thế nào để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, là thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước; biến đổi khí hậu và vấn đề môi trường; hội nhập quốc tế. Nhiều điểm yếu của nền kinh tế cần sớm được quan tâm, khắc phục để hướng tới mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách với các nước.

Nhìn lại gần một năm của nhiệm kỳ Chính phủ mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, qua 10 tháng hoạt động, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã có được niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp. Cuộc họp Chính phủ tháng 1 diễn ra ngay trong những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tiếp tục gửi đi thông điệp của Thủ tướng, đó là phải nhân lên hơn nữa niềm tin được gây dựng trong năm vừa qua bằng các hành động cụ thể. Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải tiếp tục trong năm nay việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động mạnh mẽ, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.

Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh trong tất cả các ngành, lĩnh vực ngay từ đầu năm, nhất là những lĩnh vực mũi nhọn đột phá như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao cả về chủ trương, nguồn vốn, mô hình, cơ chế, chính sách...

Chuyên đề