Dấu ấn những năm Tuất trong lịch sử

Nhân dịp đón chào xuân Mậu Tuất 2018, Báo Đấu thầu sưu tầm và giới thiệu những câu chuyện về một số nhân vật, sự kiện lịch sử của dân tộc gắn liền với những năm Tuất.
Năm Canh Tuất (1070): Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu – Trường Đại học đầu tiên của nước ta (Quốc Tử Giám).
Năm Canh Tuất (1070): Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu – Trường Đại học đầu tiên của nước ta (Quốc Tử Giám).

Năm Nhâm Tuất (542): Lý Bí phát động khởi nghĩa và chỉ trong vòng 3 tháng đã quét sạch quân Lương ra khỏi bờ cõi nước ta. Hai năm sau, ông lên ngôi vua, xưng là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân.

Năm Nhâm Tuất (722): Mai Thúc Loan phát động và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa lớn. Ông cho xây dựng căn cứ dọc bờ sông Lam, Nghệ An. Để quy tụ lòng người, ông lên ngôi hoàng đế, xưng là Mai Hắc Đế. Mai Hắc Đế lãnh đạo nghĩa quân đánh cho quan đô hộ của nhà Đường là Quang Sở Khách phải hốt hoảng tháo chạy về nước.

Năm Canh Tuất (1010): Lý Công Uẩn chính thức lên ngôi lập ra nhà Lý, bắt đầu chế độ phong kiến trung ương tập quyền trong lịch sử Việt Nam. Tháng 8, nhà vua cho dời đô từ Hoa Lư về Đại La, đổi tên thành Thăng Long.

Năm Canh Tuất (1070): Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu – Trường Đại học đầu tiên của nước ta (Quốc Tử Giám).

Năm Nhâm Tuất (1382): Quân Chiêm Thành tấn công Thanh Hóa, Hồ Quý Ly chỉ huy đánh tan chúng ở cửa Thần Phù (Nga Sơn, Thanh Hóa).

Năm Bính Tuất (1406): Quân đội triều Hồ kiên cường đánh trả hơn 10 vạn giặc Minh xâm lược, khiến chúng đại bại, phải đầu hàng và rút hết về nước. Vua Hồ Hán Thương lệnh cho phòng thủ cẩn mật trên toàn tuyến biên giới.

Năm Mậu Tuất (1418): Lê Lợi tổ chức khởi nghĩa Lam Sơn (Thanh Hóa), xưng là Bình Định vương, mở đầu cuộc kháng chiến chống quân Minh đầy gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt. Khởi nghĩa Lam Sơn nhanh chóng lớn mạnh và thắng lợi hoàn toàn sau 10 năm (1418 - 1427).

Năm Bính Tuất (1466): Nhà Lê thực thi cải cách toàn diện chế độ quan lại, quân ngũ và phương thức quản lý đất đai, tài chính, giáo dục, văn hóa.

Năm Nhâm Tuất (1682): Chiếc tàu biển Saint Joseph của Pháp đến Đàng Ngoài, dâng thư của vua Pháp là Louis XIV. Chúa Trịnh Cán tỏ lời hoan nghênh và gửi phúc thư cho vua Pháp, đánh dấu quan hệ bang giao Việt - Pháp.

Năm Mậu Tuất (1838): Vua Minh Mạng cho đổi tên nước ta thành Đại Nam (Vua Gia Long đặt tên nước là Việt Nam từ tháng 2/1804).

Năm Bính Tuất (1886): Vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương, mở đầu phong trào Cần Vương chống Pháp. Khởi nghĩa Ba Đình bùng phát khiến quân Pháp bị tiêu hao nhiều binh lực nhưng không dập tắt được ý chí chống Pháp của nhân dân ta.

Năm Nhâm Tuất (1922): Báo Le Paria (Người cùng khổ) của Hội Liên hiệp thuộc địa do Nguyễn Ái Quốc tham gia sáng lập và chỉ đạo ra số đầu tiên, tích cực tuyên truyền độc lập, đoàn kết, giải phóng cho các dân tộc bị áp bức trên thế giới.

Năm Bính Tuất (1946): Ngày 6/1, diễn ra cuộc Tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên ở nước ta. Ngày 9/11, Quốc hội khóa I thông qua Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 19/12, phát lệnh toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng đồng bào miền Nam danh hiệu Thành đồng tổ quốc.

Năm Nhâm Tuất (1982): Ngày 27/3, diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V. Ngày 1/10, Hội đồng Bộ trưởng (Chính phủ) quyết định lấy ngày 20/11 hàng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Năm Mậu Tuất (2018): Cả nước phát huy sức mạnh nội lực, phấn đấu để tiếp tục gặt hái những thành tựu to lớn về mọi mặt, khẳng định bản lĩnh ngoan cường, tài trí của một dân tộc đã trải qua nhiều năm Tuất vẻ vang trong lịch sử. Trong năm 2018, nước ta có nhiều lễ kỷ niệm như: 50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, 70 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 45 năm Ngày ký Hiệp định Paris (1973 - 2018) và các ngày lễ, kỷ niệm khác.

Chuyên đề