Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng

Việc loại bỏ các rào cản không cần thiết và chuyển tư duy quản lý từ kiểm soát sang quản lý rủi ro nếu được thực hiện hiệu quả sẽ có tác động lớn đối với kích thích tăng trưởng kinh tế.
Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: BNEWS
Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng. Ảnh: BNEWS

Sáng 19/9, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội thảo “Đảm bảo tính nhất quán trong điều chỉnh chính sách để đạt mục tiêu tăng trưởng”.

Hội thảo bàn về các khuyến nghị chính sách cho Chính phủ về tăng trưởng bền vững; nguyên tắc, quy trình điều chỉnh chính sách nhằm đảm bảo tính nhất quán với mục tiêu bao trùm là tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách trong hàng loạt các lĩnh vực để thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017 nhằm tạo đà cho một giai đoạn phát triển kinh tế ổn định ở mức cao và bền vững trong những năm sau.

Khâu đột phá được xác định là quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, tạo niềm tin và sự hưng phấn cho các doanh nghiệp để mạnh dạn đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối tượng được tập trung ưu tiên là khu vực kinh tế tư nhân, vốn còn nhiều tiềm năng phát triển chưa được khai thác.

Tuy nhiên, nguồn lực vật chất của Chính phủ hiện nay đang hạn chế. Vì vậy, cần tìm cách thúc đẩy những lĩnh vực kinh tế có nhiều tiềm năng phát triển mà hiện đang bị cản trở bởi môi trường chính sách không thuận lợi. Chẳng hạn như các mô hình kinh doanh mới, sáng tạo, dựa nhiều vào công nghệ trong nền kinh tế số.

Việc gỡ bỏ các điều kiện kinh doanh, loại bỏ các rào cản không cần thiết và chuyển tư duy quản lý từ kiểm soát sang quản lý rủi ro nếu được thực hiện hiệu quả sẽ có tác động lớn đối với kích thích tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, những kiến nghị chính sách mới như: dự luật sửa đổi 5 luật thuế cần phải đảm bảo không tác động tiêu cực đến tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp Quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, qua 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017; huy động tối đa các cấp, các ngành, doanh nghiệp tham gia phấn đấu đạt mục tiêu về tăng trưởng GDP 6,7% của cả năm 2017.

Theo đó, có 3 nhóm giải pháp chính được thực hiện là giải pháp nền tảng điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, kiểm soát lạm phát; thúc đẩy tận dụng mọi cơ hội của kinh tế quốc tế và trong nước để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo; kích thích đẩy mạnh xuất nhập khẩu, giải ngân nguồn vốn đầu tư…

Bàn về các các giải pháp tăng trưởng, ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương cho biết, mục tiêu tăng trưởng đã rõ và cần cách thức nào để đi đến mục tiêu. Theo đó, cần phối hợp đồng bộ để đạt mục tiêu và trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp cần phải khơi thông mọi nguồn lực của xã hội tham gia nhiều hơn thông qua các chính sách …

Ông Võ Chí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hiện Việt Nam có từ 3-4 ràng buộc khi tăng trưởng. Đó là những khó khăn trong ngân sách; cải cách chính trị, cải cách bộ máy Nhà nước; tăng trưởng nhưng kèm tái cấu trúc; ổn định vĩ mô chưa vững chắc, không chỉ lạm phát mà còn là dự trữ ngoại tệ, ngân sách…

Nhấn mạnh đến giải pháp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ông Võ Chí Thành cho biết, sẽ có nhiều giải pháp nhưng hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những giải pháp cần chú trọng do thời gian qua nguồn lực tư nhân và nguồn lực từ FDI tăng lên. Đồng thời, cần thực sự cải cách thuế tổng thể như: thuế, phí, cách thu, chi… và chỉ có như vậy mới đủ sức giải trình với xã hội và người dân…

Tại hội thảo, nhiều nội dung được các đại biểu thảo luận liên quan đến các cách thức thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp; kích thích tăng trưởng với các ý tưởng phát triển mới, ý tưởng kinh doanh mới, ý tưởng đầu tư mới…/.

Chuyên đề