Đại biểu Quốc hội: Người dân mong chờ giải pháp căn cơ giải quyết bất cập dự án BOT

(BĐT) - Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội sáng nay (4/6), một số Đại biểu Quốc hội cho biết, người dân đang rất mong chờ có giải pháp căn cơ để giải quyết những bất cập, tồn tại liên quan đến các dự án giao thông đầu tư theo hình thức xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT).
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.
Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể là Bộ trưởng đăng đàn đầu tiên với nhóm nội dung về việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong cả nước, nhất là tại các thành phố lớn; giải pháp xử lý những vấn đề tồn tại đối với các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, trong những bất cập liên quan đến triển khai dự án các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT có nổi lên hai vấn đề. Một là vấn đề thể chế chưa hoàn chỉnh. Hai là, quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua có nhiều sai phạm lợi dụng chính sách dẫn đến bất cập, tranh chấp và bức xúc của người dân, đặc biệt là chưa giải quyết được vấn đề căn bản lợi ích của nhà đầu tư - người dân - Nhà nước. “Đề nghị Bộ trưởng Thể cho biết giải pháp giải quyết căn cơ những bất cập này?”.

Trả lời chất vấn, ông Thể cho biết, hiện nay, chúng ta đang xem BOT là một trong những kênh quan trọng nhất để phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian sắp tới. Quốc hội cũng có biểu quyết xây dựng 6.500 km đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông trên nền tảng vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Với những bất cập nảy sinh qua việc thực hiện các dự án giao thông đầu tư theo hình thức BOT, Bộ Giao thông vận tải sẽ cố gắng tham mưu Chính phủ một cách tốt nhất, theo đó khi Chính phủ chỉ đạo thì Bộ sẽ có tổ chức thực hiện.

Song cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng Thể “chưa đưa ra được giải pháp căn cơ”, Đại biểu Nhưỡng tiếp tục tranh luận: “Tôi rất muốn Bộ trưởng cho biết giải pháp hoàn thiện thể chế sẽ như thế nào và chờ mong hoàn thiện một luật nào đó chứ không phải là tiếp tục chắp vá dẫn đến thiếu giải pháp căn cơ?”. Trả lời thêm về vấn đề này, ông Thể cho biết: Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh Luật PPP, trong có quy định toàn bộ trách nhiệm và các cơ chế chính sách để thực hiện một cách căn cơ; đồng thời mong các Đại biểu Quốc hội tích cực đóng góp ý kiến trong quá trình soạn thảo để Luật PPP có hiệu quả tốt nhất.

Liên quan đến vấn đề này, trong Báo cáo số 5768/BC-BGTVT về các vấn đề liên quan đến nhóm nội dung chất vấn thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Giao thông vận tải tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV gửi Quốc hội sáng nay, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách liên quan đến hình thức PPP và Bộ coi đây là giải pháp ưu tiên hàng đầu, cần sớm xây dựng ban hành Luật PPP, rà soát lại toàn bộ hệ thống Nghị định, Thông tư liên quan kịp thời điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của hình thức đầu tư PPP và thông lệ quốc tế. “Việc hoàn thiện thể chế, chính sách sẽ khắc phục được các bất cập về chủ trương đầu tư, chính sách phí, lựa chọn nhà đầu tư...”, Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đến nay, Bộ đã huy động được 70 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 209.347 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đường bộ 68 dự án với tổng mức đầu tư 207.987 tỷ đồng, lĩnh vực đường thủy nội địa 01 dự án với tổng mức đầu tư 1.303 tỷ đồng, lĩnh vực đào tạo 01 dự án với tổng mức đầu tư 57 tỷ đồng. Hiện đã hoàn thành đưa vào vận hành khai thác 58 dự án với tổng mức đầu tư là 166.154 tỷ đồng. Các dự án cơ bản đảm bảo chất lượng, khai thác an toàn; doanh thu tài chính cơ bản phù hợp với số liệu tính toán trong phương án tài chính của hợp đồng dự án. Đang triển khai đầu tư 12 dự án với tổng mức đầu tư là 43.193 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, việc đầu tư dự án đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT còn bất cập, tồn tại. Điển hình như việc kiểm soát chi phí đầu tư chưa chặt chẽ, còn tồn tại, sai sót trong quá trình thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình. Hầu hết các dự án đều áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư. Mặc dù quy định của pháp luật cho phép và việc chỉ định thầu cơ bản tuân thủ đúng quy định pháp luật, tuy nhiên việc chỉ định thầu đã hạn chế tính cạnh tranh. Việc công bố danh mục kêu gọi đầu tư, đăng thông tin kết quả lựa chọn Nhà đầu tư chưa chặt chẽ... dẫn đến trong dư luận nghi ngờ về tính minh bạch.  Bên cạnh đó, chưa có giải pháp quản lý hiệu quả về doanh thu thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ dẫn đến dư luận còn nghi ngờ về tính minh bạch trong việc quản lý doanh thu. Ngoài ra, chính sách phí (nay là giá dịch vụ sử dụng đường bộ) còn bất cập, còn có nhiều cách hiểu khác nhau...

Chuyên đề