Đại biểu Quốc hội hiến kế để đạt tăng trưởng 6,7%

Một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trong phiên thảo luận sáng 9/6 cho rằng cần phải coi trọng bảo đảm cả chỉ tiêu và chất lượng của tăng trưởng kinh tế nhằm đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội trong dài hạn.
ĐBQH Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
ĐBQH Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

ĐBQH Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) đánh giá cao việc Chính phủ quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% trong năm nay. Nữ đại biểu cho rằng với điều kiện của Việt Nam hiện nay, cần phải coi trọng cả số lượng và chất lượng của tăng trưởng.

Theo đó, tăng trưởng đạt chỉ tiêu sẽ giúp tạo mới việc làm, đáp ứng nhu cầu thực hiện an sinh xã hội ngày càng cao hơn. “Trong chiến lược phát triển giai đoạn 2016-2035 mà Việt Nam không đạt tăng trưởng GDP trung bình 7%/năm, thu nhập bình quân theo đầu người tăng 6%/năm thì không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Lộ trình giai đoạn 2016-2020 mà không đạt chỉ tiêu tăng trưởng Quốc hội giao thì rất khó thực hiện cho 30 năm tới”, đại biểu Trần Thị Phương Hoa nói.

Trước khả năng tăng trưởng chỉ có thể đạt 6,3% trong năm nay, Chính phủ phải xác định dư địa khai thác để có thể được thêm khoảng 0,5% tăng trưởng nhưng không tạo ra áp lực cho lạm phát, nợ công, bà Hoa đặt vấn đề và góp ý thêm vào 6 nhóm giải pháp của Chính phủ đặt ra.

Theo đại biểu, Chính phủ tăng tổng cầu của nền kinh tế thông qua tăng mức tăng trưởng tín dụng thêm 2% so với tổng dư nợ tín dụng, bao gồm cả cho tiêu dùng, đầu tư. Tăng trưởng tín dụng thêm 2% sẽ không gây lạm phát tiền tệ vì lạm phát cơ bản đang diễn biến thuận lợi. Quý I/2017, lạm phát cơ bản chỉ ở mức 1,66%. Tuy nhiên, kèm theo giải pháp này thì Chính phủ không tăng điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục từ nay tới cuối năm.

Giải pháp tiếp theo, đại biểu Trần Thị Phương Hoa đề nghị Chính phủ tập trung tháo gỡ nút thắt cho tăng trưởng hiện nay là thủ tục hành chính cho xây dựng, đầu tư để thu hút mạnh mẽ hơn đầu tư tư nhân, nhất là thủ tục giải ngân nhanh cho các dự án đầu tư giao thông. Cụ thể, các dự án đầu tư phải chờ bộ ngành liên quan phê duyệt với thủ tục phức tạp làm nản lòng các nhà thầu. Chính phủ đã thực hiện chỉnh sửa, bổ sung pháp luật về đầu tư nhưng chưa có chuyển biến rõ rệt.

“Nếu tới Quý III/2017, Chính phủ, các địa phương giải ngân được 70% vốn đầu tư thì sẽ có tác động tăng trưởng tốt. Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt cái này rồi và cần phải quyết liệt hơn nữa”, bà Hoa nói.

Trong khi đó, đại biểu Lê Công Đỉnh (đoàn Long An) đề nghị Chính phủ phải kỷ luật các cá nhân, tổ chức chậm giải ngân vốn đầu tư công, bên cạnh đó, đẩy nhanh cả giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, vốn đầu tư của tư nhân trong nước, tăng cường xây dựng bộ máy hành chính nhà nước có tính phục vụ, chuyên nghiệp.

Còn đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) chỉ ra có những nơi, những cấp mà cán bộ trì trệ, bảo thủ sẽ là thách thức lớn đối với tinh thần Chính phủ kiến tạo. Ông Tám đặt vấn đề về sự chậm đổi mới trong quản lý Nhà nước ở các cấp gắn liền với các rào cản về lợi ích đã khiến cho số doanh nghiệp giải thể, phá sản bằng 79% số doanh nghiệp thành lập mới trong năm vừa qua và cho rằng Chính phủ cần phải đánh giá cụ thể hơn về con số này.

Chuyên đề