Đặc khu sẽ cất cánh nhờ thể chế vượt trội

(BĐT) - Hôm nay (23/5), Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc. Lần đầu tiên Việt Nam chủ động xây dựng chính sách tạo một “sân chơi” toàn cầu trên lãnh thổ Việt Nam. 
Các nhóm chính sách về hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi được thiết kế nhiều hơn rất nhiều so với ưu đãi về kinh tế. Ảnh: Lâm Thanh Sơn
Các nhóm chính sách về hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi được thiết kế nhiều hơn rất nhiều so với ưu đãi về kinh tế. Ảnh: Lâm Thanh Sơn

Các đặc khu sẽ “cất cánh” nhờ vào những cải cách thể chế vượt trội, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, an toàn, hấp dẫn, chứ không phải chỉ nhờ các ưu đãi kinh tế.

Đặc khu - cuộc chơi không nên chậm trễ

Ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh kể lại câu chuyện về một nhà đầu tư lớn từ Mỹ đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Vân Đồn cách đây 5 năm. Nhà đầu tư nhìn thấy rất rõ lợi thế cạnh tranh của Vân Đồn, nhưng đặt ra 4 câu hỏi khó với Quảng Ninh khi ấy.

Đó là: Định hướng quy hoạch tầm quốc gia của Việt Nam sẽ xây dựng bao nhiêu đặc khu và ở vị trí nào? Đặc khu cần cơ chế vượt trội, nền hành chính hiện đại được điều chỉnh bằng luật, khi nào Việt Nam có luật về đặc khu? Người đứng đầu đặc khu sẽ được trao thẩm quyền như thế nào để giải quyết nhanh chóng những vấn đề của nhà đầu tư? Kết cấu hạ tầng kết nối tới các đặc khu bao giờ được đầu tư đồng bộ, khi nào có sân bay, đường cao tốc?

Vào thời điểm năm 2013, Quảng Ninh chưa thể trả lời được những câu hỏi này một cách rõ ràng, và cơ hội đón một nhà đầu tư lớn từ Mỹ và nhiều nhà đầu tư hàng đầu thế giới khác đã trôi qua.

Tại Phú Quốc, rất nhiều nhà đầu tư quốc tế biết đến “Đảo Ngọc”, đã tới tận nơi khảo sát, tìm hiểu. Thế nhưng cũng rất nhiều trong số họ lặng lẽ đi và không quay trở lại. 

Tiềm năng của Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc rất lớn, nhưng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, chính sách tại nhiều đặc khu trong khu vực vô cùng hấp dẫn, để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, những chính sách hiện hành là không đủ.

Theo nhiều chuyên gia trong nước cũng như quốc tế, cuộc chơi “đặc khu” thế giới đã đi từ khá lâu rồi. Việt Nam giờ mới xây dựng thể chế, chính sách đặc khu đã là chậm. Và theo cách nói của TS. Võ Trí Thành, cuộc chơi này chúng ta cần dám chơi và biết chơi, dù muộn, rủi ro nhưng vẫn phải chơi. 

Chú trọng ưu đãi “phi kinh tế”

Dự thảo Luật được đưa lên bàn nghị sự của Quốc hội ngày hôm nay đã có nhiều tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung sau khi được lấy ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và tham vấn rất nhiều ý kiến chuyên gia trong, ngoài nước.

Tinh thần của Dự thảo Luật, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng, là hình thành 3 khu vực tăng trưởng kinh tế cao có tác động lan tỏa tới khu vực và toàn bộ nền kinh tế, thu hút công nghệ cao với những ngành nghề, lĩnh vực cạnh tranh phù hợp xu thế phát triển của thế giới. Các đặc khu cũng sẽ trở thành nơi đáng sống và làm việc, thịnh vượng về kinh tế song song với phát triển bền vững về môi trường, bảo đảm công bằng xã hội và nâng cao đời sống của người dân, nâng cao thu nhập bình quân đầu người và đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế thuộc Bộ KH&ĐT cho biết, Dự thảo Luật xây dựng cơ chế chính sách cạnh tranh quốc tế vượt trội so với những cơ chế, chính sách đã áp dụng cho các khu kinh tế hiện nay. Và cạnh tranh quốc tế được hiểu là cạnh tranh với những đặc khu đã thành công trong khu vực và trên thế giới.

Dự thảo Luật, theo ông Đông, không theo kiểu kẻ một đường kẻ ngang, chỉ lấy các chính sách cao hơn, mà thực tế có những chính sách ưu đãi ở đặc khu còn thấp hơn hiện tại ở nhiều khu vực khác và ưu đãi cho đặc khu chỉ tập trung cho những ngành nghề ưu tiên. Các nhóm chính sách về hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi được thiết kế nhiều hơn rất nhiều so với ưu đãi về kinh tế như ưu đãi thuế, đất đai. Ví dụ như quy định về chính phủ điện tử tại đặc khu, về thẩm quyền của chủ tịch UBND đặc khu, phân cấp mạnh cho chính quyền đặc khu, tinh gọn bộ máy hành chính… đều sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết thủ tục nhanh gọn, thuận lợi hơn rất nhiều. Và đó là những điều mà nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư quốc tế trông đợi.            

Ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng giám đốc CEO Group

Hiện nay, để thực hiện 1 dự án đầu tư vào Phú Quốc, doanh nghiệp phải chuyển hồ sơ qua 3 nơi là Ban Quản lý khu kinh tế, UBND huyện và UBND tỉnh Kiên Giang. Doanh nghiệp rất mong muốn chủ tịch UBND đặc khu được trao quyền tối đa để giải quyết nhanh chóng các vấn đề của nhà đầu tư.

Luật sẽ là khung thể chế bảo đảm an toàn, niềm tin cho doanh nghiệp khi đầu tư vào đặc khu. Những chính sách ưu đãi về kinh tế, tài chính là điều kiện cần, nhưng thể chế, chính sách tạo ra sự minh bạch, thuận lợi, nhanh chóng, hiệu quả cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp mới là điều kiện đủ để nhà đầu tư yên tâm.

Chuyên đề