Đã trình phương án phân bổ 2 triệu tỷ đồng vốn NSNN

(BĐT) - Chiều ngày 21/2, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội “Phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020”.
Kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước đổi mới quan trọng trong việc cân đối nguồn lực cho ĐT phát triển nhằm thúc đẩy phát triển KTXH. Ảnh: Tường Lâm
Kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước đổi mới quan trọng trong việc cân đối nguồn lực cho ĐT phát triển nhằm thúc đẩy phát triển KTXH. Ảnh: Tường Lâm

Tại Kỳ họp thứ hai vừa qua, Quốc hội đã thông qua tổng số vốn đầu tư nguồn NSNN kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 là 2 triệu tỷ đồng, trong đó 1,12 triệu tỷ đồng vốn NSTW, 880 nghìn tỷ đồng vốn cân đối NSĐP.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, tổng vốn NSTW trung hạn (không bao gồm vốn TPCP) Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phân bổ là 715.013,5 tỷ đồng. Trong đó, vốn bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia 68.222,2 tỷ đồng. Đối với phần vốn còn lại hơn 646.791 tỷ đồng, cập nhật dự kiến phân bổ chi tiết đến ngày 15/2/2017, số vốn bố trí đúng quy định theo nguyên tắc, tiêu chí Quốc hội đã thông qua là 559.025,4 tỷ đồng, chiếm 96% tổng kế hoạch trung hạn được rà soát. Số vốn bố trí không đúng quy định, chưa đủ thông tin để rà soát hoặc chưa phân bổ chi tiết là 11.364,9 tỷ đồng, chiếm 1,9% tổng kế hoạch trung hạn được rà soát; số vốn bố trí cho các dự án khởi công mới chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư là 12.155,1 tỷ đồng, chiếm 2,1% tổng kế hoạch trung hạn được rà soát.

Về vốn cân đối NSĐP, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư trung hạn là 748.377,8 tỷ đồng. Tổng vốn cân đối NSĐP giai đoạn 2016 - 2020 điều chỉnh theo kế hoạch năm 2017 đã được Quốc hội thông qua là 730.211,2 tỷ đồng, giảm 18.623,5 tỷ đồng so với số vốn đã báo cáo Quốc hội. Đến ngày 17/2/2017, Chính phủ đã báo cáo danh mục dự án đầu tư từ nhóm B trở lên của 58 địa phương (2 tỉnh Bắc Cạn, Quảng Trị chỉ bố trí nhóm C nên không đưa vào danh sách). Còn TP. HCM và Quảng Ninh dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn vượt tổng mức quy định, Hải Phòng chưa có dự kiến mức vốn cho từng dự án.

Đối với kế hoạch vốn trái phiếu chính phủ (TPCP), tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội thông qua tổng mức vốn kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn TPCP giai đoạn 2016 - 2020 là 260 nghìn tỷ đồng. Tổng hợp đề xuất các bộ, ngành, địa phương dự kiến phân bổ chi tiết vốn TPCP giai đoạn 2017 – 2020 là 101.033,4 tỷ đồng. Số vốn bố trí đúng quy định là 18.081 tỷ đồng; bố trí chưa đúng quy định 82.952 tỷ đồng, trong đó hơn 78.214 tỷ đồng bố trí vốn cho các dự án khởi công mới chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư…

Thẩm tra phương án phân bổ vốn của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đánh giá, Kế hoạch đầu tư công trung hạn là bước đổi mới quan trọng trong việc cân đối nguồn lực cho đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ổn định cân đối vĩ mô, an toàn nợ công và khắc phục trình trạng phân bổ vốn đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. Theo số liệu cập nhật đến ngày 15/2/2017, nợ đọng xây dựng cơ bản về cơ bản đã được bố trí đủ nguồn để thanh toán theo quy định và các bộ, ngành địa phương đã bố trí 50.516,413 tỷ đồng/79.499,613 tỷ đồng vốn ứng trước phải thu hồi.

Tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra, vẫn còn những dự án chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội, Luật Đầu tư công. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng tiếp diễn các tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 như dàn trải, manh mún trong bố trí vốn, dự án dở dang, không hoàn thành do thiếu vốn đầu tư,... UBTCNS đề nghị Chính phủ trong quá trình hoàn thiện, ban hành danh mục cần rà soát thận trọng, bảo đảm việc phân bổ vốn tuân thủ nghiêm các quy định. Đối với những dự án tỷ lệ vốn bố trí quá thấp, không đủ khả năng hoàn thành thì cần đưa ra khỏi danh mục để tập trung cho các dự án chuyển tiếp hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020, khắc phục tình trạng phân bổ dàn trải, dở dang ở nhiều dự án.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ kiên quyết không bố trí vốn cho dự án khởi công mới trong trường hợp chưa bố trí đủ vốn để trả nợ, hoàn ứng và chưa đáp ứng đủ nhu cầu vốn để hoàn thành dự án chuyển tiếp.

Chuyên đề