CPI tháng 2/2017 bị tác động bởi 6 yếu tố tăng giá

(BĐT) - Trong công bố mới nhất về chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 năm 2017 vừa được Tổng cục Thống kê đưa ra cho thấy, CPI tháng này đã tăng 0,23% so với tháng trước, tăng 5,02% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,69% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân hai tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm trước tăng 5,12%.
Tại các địa phương diễn ra nhiều lễ hội nên giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và hoa tươi tăng cao. Ảnh: Tường Lâm
Tại các địa phương diễn ra nhiều lễ hội nên giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và hoa tươi tăng cao. Ảnh: Tường Lâm

Tổng cục Thống kê đã chỉ rõ 6 yếu tố làm CPI tháng 2 tăng do nhu cầu tiêu dùng một số mặt hàng trong tháng Tết, ngày rằm tháng Giêng và tại các địa phương diễn ra nhiều lễ hội nên giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và hoa tươi tăng cao.

Thứ nữa, giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo bước 2 bao gồm chi phí tiền lương của Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính ở khu vực thành thị của tỉnh An Giang làm cho chỉ số giá nhóm dịch vụ y tế cả nước tăng 0,27% so với tháng trước.

Giá xăng dầu bị ảnh hưởng của hai đợt điều chỉnh tăng vào ngày 03/02/2017 và ngày 18/02/2017 làm chỉ số giá nhóm nhiên liệu tăng 1,19% so với tháng trước góp phần làm cho CPI tăng khoảng 0,05%.

Nhu cầu đi lại tăng cùng với giá xăng dầu tăng nên giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 0,5% so tháng trước. Ngành đường sắt áp dụng chính sách tăng 20% giá vé chiều đông khách và giảm 16% giá vé chiều vắng khách (chiều từ Thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội) nên chỉ số giá nhóm vé tàu hỏa tăng 2,57% so với tháng trước. Từ ngày 01/02/2017 giá gas điều chỉnh tăng 28.000đ/bình 12 kg do giá gas nhập khẩu trong tháng 2 tăng 90USD/tấn chốt giá ở mức 555 USD/tấn làm cho chỉ số giá gas tăng 8,01% so tháng trước.

Trong khi đó, chỉ có 3 nguyên nhân góp phần kéo giảm CPI tháng 2 là, giá thịt lợn giảm 1,49% do nhu cầu tiều dùng trong nước giảm và do xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch bị hạn chế nên sản lượng thịt lợn trong nước dồi dào; thời tiết nắng ấm nên sản lượng rau tươi dồi dào, theo đó giá rau tươi giảm 4,13%; nhu cầu mua sắm quần áo giảm và thời tiết đang chuyển mùa nên người bán chủ động giảm giá nhiều mặt hàng làm cho chỉ số nhóm may mặc giảm 0,05%.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 giai đoạn 2008 - 2017

Đơn vị tính:%

Năm 2008

Năm 2009

Năm 2010

Năm 2011

Năm 2012

Năm 2013

Năm 2014

Năm 2015

Năm 2016

Năm 2017

CPI tháng 2 năm báo cáo so với tháng trước

3,56

1,17

1,96

2,09

1,37

1,32

0,55

-0,05

0,42

0,23

CPI tháng 2 năm báo cáo so cùng kỳ năm trước

15,67

14,78

8,46

12,31

16,44

7,02

4,65

0,34

1,27

5,02

CPI bình quân 2 tháng đầu năm

so cùng kỳ năm trước

14,89

16,12

8,04

12,24

16,85

7,04

5,05

0,64

1,03

5,12

Cùng với đó, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 2 năm 2017 tăng 0,2% so với tháng trước, tăng 1,51% so với cùng kỳ. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm 2017 so cùng kỳ năm trước tăng 1,69%.

Trong tháng 2/2017, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động giá do yếu tố thị trường có mức tăng cao, đó là giá lương thực, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Lạm phát cơ bản tháng 2/2017 so cùng kỳ ở mức dưới 2% phản ánh chính sách tiền tệ vẫn đang điều hành ổn định.

Chuyên đề