Công nghiệp 4.0: Nói nhiều rồi, phải làm cụ thể

(BĐT) - Nếu nhận thức cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cơ hội cho đất nước thì phải tiếp cận một cách bài bản, toàn diện, sâu rộng, tận dụng được mọi cơ hội dù là nhỏ nhất, vượt qua được thách thức. 
Dưới tác động của CMCN 4.0, hầu hết các công việc lặp đi lặp lại sẽ được thay thế bằng công nghệ tự động hóa. Ảnh: Lê Tiên
Dưới tác động của CMCN 4.0, hầu hết các công việc lặp đi lặp lại sẽ được thay thế bằng công nghệ tự động hóa. Ảnh: Lê Tiên

Chúng ta đã nói rất nhiều về cuộc cách mạng này, nhưng tiếp cận như thế nào, bắt đầu từ đâu, cụ thể từng ngành làm gì mới là việc cần nhanh chóng triển khai.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nêu quan điểm tại cuộc Tọa đàm Chia sẻ tri thức về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) do Bộ KH&ĐT và Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức ngày 16/4. 

Nhìn nhận ở góc độ cơ hội nhiều hơn thách thức

Theo ông Nguyễn Thế Trung, thành viên Tổ tư vấn chính phủ điện tử của Văn phòng Chính phủ, năm 2017, Việt Nam mới đang trong giai đoạn tăng trưởng của cuộc CMCN 3.0, trong khi thế giới đang chuyển sang CMCN 4.0. Nếu không thay đổi nhanh chóng, không cẩn thận Việt Nam sẽ sử dụng công nghệ rác và đứng trước nhiều nguy cơ. Thách thức là làm sao chuyển kịp sang để tăng năng lực đáp ứng CMCN 4.0 và vừa phải tiêu dùng thông minh trong CMCN 3.0.

Một trong những tác động lớn của CMCN 4.0 là vấn đề việc làm, dư thừa lao động. Ông Trung phân tích, các công việc vào năm 2030 sẽ rất khác các công việc hiện nay, trong đó hầu hết các công việc lặp đi lặp lại sẽ được thay thế. Các công việc mới sẽ đòi hỏi kỹ năng mới về dữ liệu, phân tích, tư vấn. PricewaterhouseCoopers dự đoán rằng robot/trí tuệ nhân tạo sẽ thay thế 38% công việc của người Mỹ vào năm 2030.

Tại Việt Nam đang có nhiều đánh giá của các tổ chức khác nhau về vấn đề tỷ lệ việc làm bị ảnh hưởng. Theo dự báo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), công nghệ tự động hóa có thể thay thế tới 47% việc làm, trong khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế  (OECD) dự báo chỉ khoảng 9% việc làm được thay thế bởi công nghệ mới, hay Tổ chức Lao động Quốc tế  (ILO) dự báo tỷ lệ này lên đến 86% đối với ngành dệt may ở Việt Nam.

Tuy các số liệu đưa ra khác nhau, thế nhưng tác động của CMCN 4.0 đến vấn đề lao động, việc làm là chắc chắn có, và như cách nói của Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương, lợi thế lao động giá rẻ, “cần cù bù thông minh” của Việt Nam sẽ không còn. 

Cơ hội và thách thức đến từ CMCN 4.0 đối với Việt Nam là song hành. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, Bộ KH&ĐT nhìn nhận ở góc độ là cơ hội cho phát triển nhiều hơn. Cuộc cách mạng này là cơ hội để Việt Nam nắm bắt, bứt phá, rút ngắn khoảng cách với các nước, đi nhanh cùng thế giới. “Đến nay, Việt Nam đã chậm so với thế giới, nếu chúng ta không nhanh thì e ngại chậm mất, xong hết thì thế giới lại sang 5.0 rồi… Nếu lần này bỏ lỡ cơ hội thì không biết bao giờ cơ hội đến nữa”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ, đồng thời nhấn mạnh cần nhanh chóng bắt tay vào những hành động cụ thể. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động có thể gắn với CMCN 4.0.

Bộ trưởng cho biết, Bộ KH&ĐT đã báo cáo Thủ tướng cho phép Bộ KH&ĐT xây dựng Chiến lược quốc gia về tái cơ cấu nền kinh tế gắn với CMCN 4.0, đề án kinh tế chia sẻ. Bộ đã chủ động thành lập 1 nhóm nghiên cứu toàn diện về những vấn đề này.

Thứ trưởng Phạm Đại Dương cũng cho biết, Bộ KH&CN đã đặt hàng Ngân hàng Thế giới tổ chức nghiên cứu sâu hơn cho chương Đổi mới sáng tạo của Báo cáo Việt Nam 2035 trên nền xu thế 4.0. 

Chính phủ cần ứng xử như thế nào?

Ông Nguyễn Thế Trung cho biết, Chính phủ Việt Nam đã nhận thức việc chuyển đổi phải nhanh hơn để bắt kịp CMCN 4.0. Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg tăng cường năng lực tiếp cận CMCN 4.0, giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) từ cách đây 10 năm hay đang từng bước xây dựng nền tảng phát triển hệ tri thức Việt số hóa theo Quyết định 677/QĐ-TTg của Thủ tướng…

Ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao của Bộ KH&CN chia sẻ, nhiều chính phủ đã đưa ra những chương trình, kế hoạch ứng xử với CMCN 4.0 với mục đích vươn lên hoặc giữ vững vị trí dẫn dắt của mình.

Trong số các ứng xử mà Chính phủ Việt Nam cần thực hiện, ông Đàm Bạch Dương nhấn mạnh đến việc Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi công nghệ, cần có chính sách cụ thể khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như hỗ trợ tiếp cận tín dụng, lãi suất…

Với vai trò là bộ tham mưu về thể chế, chính sách, xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, theo khuyến nghị của ông Đàm Bạch Dương, Bộ KH&ĐT cần có vai trò lớn hơn trong thực hiện các nhiệm vụ tại Chỉ thị 16 của Thủ tướng.

Ông Nguyễn Thế Trung cũng đề xuất Bộ KH&ĐT hỗ trợ Bộ KH&CN xây dựng các chương trình nghiên cứu ứng dụng trong CMCN 4.0 chú trọng tới phát triển hệ sinh thái sáng tạo thông qua việc lấy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo làm trung tâm và tăng cường các hoạt động PPP; hỗ trợ các địa phương tiếp cận CMCN 4.0 theo Chỉ thị 16; đi đầu trong chuyển đổi số hướng tới Chính phủ số...

Chuyên đề