Cơ cấu lại kinh tế dịch vụ như thế nào?

(BĐT) - Ngành kinh tế dịch vụ của Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, đóng góp tới 40% GDP, song vẫn chưa xứng với tiềm năng và yêu cầu của phát triển kinh tế đất nước. Tại một số lĩnh vực như bán lẻ, logistics…, nhiều doanh nghiệp ngoại đang lấn sân chiếm lĩnh thị phần.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Phát triển không đồng đều

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, thời gian qua, ngành kinh tế dịch vụ của Việt Nam tăng trưởng tương đối cao và mạnh. Hiện nay, tỷ trọng ngành dịch vụ trong nền kinh tế cao hơn ngành công nghiệp, chiếm hơn 40% GDP. Tuy nhiên, các ngành kinh tế dịch vụ của Việt Nam phát triển không đồng đều, có những ngành phát triển tương đối mạnh như: bán lẻ, công nghệ thông tin, vận tải… Ngược lại, một số ngành dịch vụ trí tuệ mang tính “động lực”, “huyết mạch” như: tài chính - tín dụng, khoa học và công nghệ, tư vấn lại chưa phát triển tương xứng. Nhìn rộng ra toàn nền kinh tế, các ngành dịch vụ của Việt Nam phát triển còn manh mún, khung pháp lý còn chưa thích hợp, phản ánh chất lượng tăng trưởng không cao.

“Khung pháp lý ngành dịch vụ hiện nay còn rất rườm rà, điều kiện kinh doanh trùng lắp, chồng chéo do nhiều bộ, ngành cùng quản lý một loại dịch vụ khiến người dân, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này còn gặp không ít khó khăn”, ông Doanh phân tích.

Không chỉ là vấn đề khung pháp lý, tại cuộc gặp thứ hai của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với khu vực doanh nghiệp tư nhân hồi tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ một thực tế rằng chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao. Đơn cử như chi phí vận chuyển một container từ cảng Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp 3 lần chi phí vận chuyển từ Hàn Quốc, Trung Quốc về Việt Nam; chi phí tiếp cận điện năng cao gấp 49 lần Philippines; chi phí nộp thuế cao nhất so với ASEAN 4 (39% lợi nhuận làm ra, cao hơn hai lần Singapore).

Theo ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, chi phí kinh doanh ngành dịch vụ logistics cao là do các chi phí liên quan đến quá trình thông quan. Chưa kể, hiện chi phí vận tải đường bộ vẫn đang rất cao khiến chi phí dịch vụ logictics của Việt Nam cao hơn nhiều nước.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra còn một số nguyên nhân khác khiến ngành dịch vụ của Việt Nam phát triển không đồng đều như hệ thống phân phối còn nhiều bất cập, chi phí trung gian lớn, chưa kết nối thông suốt, hiệu quả; chất lượng dịch vụ còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao… 

Yêu cầu nâng cao năng lực

Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng Đề án Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Đề án nhằm hệ thống hóa các giải pháp, nhiệm vụ cần thực hiện, để cơ cấu lại khu vực dịch vụ hướng tới phát triển khu vực này hiện đại, bền vững, góp phần vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng đáp ứng các mục tiêu phát triển đã đặt ra đến năm 2020. Đề án cũng đưa ra Danh mục các nhiệm vụ cần triển khai thực hiện đến năm 2020 của các bộ, ngành liên quan.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với dân số 100 triệu dân cùng nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao, ngành kinh tế dịch vụ là mảnh đất “màu mỡ”, thậm chí “béo bở” mà các nhà đầu tư nhắm đến. Do đó trong thời gian qua, rất nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới đã đặt chân đến Việt Nam.

Vậy làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác được cơ hội và “không thua trên sân nhà”? Ông Lê Đăng Doanh cho rằng, cần giải pháp đột phá phát triển ngành, đầu tiên là thay đổi tư duy quản lý, thay vì cấm đoán thì hãy thúc đẩy đổi mới. Các doanh nghiệp trong nước phải liên kết với nhau, đầu tư công nghệ để tạo sức cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. “Nếu không liên kết, không đổi mới thì các doanh nghiệp ngành dịch vụ của Việt Nam sẽ lạc hậu, tụt hậu, thua trên sân nhà là điều trông thấy”, ông Doanh cảnh báo. Còn theo ông Lê Duy Hiệp, Chính phủ cần tiếp tục cải thiện các thủ tục hành chính, thuận lợi hóa thương mại cho doanh nghiệp phát triển.

Liên quan đến vấn đề này, tại Báo cáo Chiến lược tổng thể phát triển ngành dịch vụ tới năm 2020 và tầm nhìn tới năm 2025 do Bộ Công Thương và Liên minh châu Âu thực hiện mới đây cũng khuyến nghị, muốn đưa lĩnh vực dịch vụ trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế, cần có những cải cách sâu rộng hơn để dẫn tới những thay đổi cơ cấu sâu hơn.

Chuyên đề