Chủ tịch nước đứng ở đâu trong chống tham nhũng?

(BĐT) - Các vấn đề tồn tại lâu nay trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội đã được các đại biểu Quốc hội nêu trong Phiên thảo luận về các báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, diễn ra sáng ngày 29/3.
Đại biểu Quốc hội cho rằng nhiều mặt hoạt động của Chủ tịch nước chưa thể hiện rõ quyền lực của người đứng đầu Nhà nước. Ảnh: Ngọc Thắng
Đại biểu Quốc hội cho rằng nhiều mặt hoạt động của Chủ tịch nước chưa thể hiện rõ quyền lực của người đứng đầu Nhà nước. Ảnh: Ngọc Thắng

Nếu Thủ tướng mạnh tay hơn nữa

Đối với phần báo cáo công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) cho rằng, cử tri đánh giá cao nhất nỗ lực của Chính phủ và người đứng đầu cơ quan hành pháp để điều hành nền kinh tế phát triển ổn định trong bối cảnh khó khăn, kinh tế vẫn tăng trưởng dương. Lãnh đạo cơ quan hành pháp cũng có thái độ kiên quyết với vấn đề bảo vệ chủ quyền, có tư tưởng đổi mới trong điều hành…

Tuy nhiên, đại biểu Trương Trọng Nghĩa thẳng thắn: “Nếu Thủ tướng mạnh tay cách chức các bộ trưởng, các chủ tịch tỉnh không hoàn thành nhiệm vụ chứ không đợi đến khi hết nhiệm kỳ mới thay thì đã chặn được ngay tư tưởng trên bảo dưới làm ngơ. Nếu Thủ tướng kiên quyết xử lý một vài lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước vi phạm thì tình hình đã khác so với việc đợi đến khi họ vào tù mới xử lý…”.

Ngoài ra, liên quan đến công tác xây dựng và kiện toàn bộ máy hành chính nhà nước, báo cáo của Chính phủ có nhận định khắc phục tình trạng chồng chéo hoặc bỏ trống chức năng quản lý trên các lĩnh vực. Theo đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum), nhận định này thể hiện lâu nay việc bỏ trống chức năng quản lý, như thế được hiểu có lĩnh vực lâu nay không có cơ quan, đơn vị nào quản lý cả. Trong khi chúng ta vẫn nói rằng cơ quan hành chính nhà nước thực hiện chức năng quản lý hành chính nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

“Vấn đề ở đây, vậy đã có thời gian, đã có lĩnh vực bị bỏ trống không có sự quản lý của Nhà nước. Đó là lĩnh vực nào, hệ quả ra sao, vì sao lại có tình trạng đó, xác định trách nhiệm như thế nào, đề nghị bổ sung làm rõ!” - đại biểu Tô Văn Tám nhấn mạnh. 

Chủ tịch nước làm gì để chống tham nhũng?

Đối với công tác của Chủ tịch nước, ông Nghĩa nhận xét, vị nguyên thủ quốc gia nhiệm kỳ này đã gương mẫu trong lối sống và công việc, phấn đấu không mệt mỏi và làm việc hết sức cho dân cho nước. Chủ tịch nước luôn gắn bó với cử tri, có thái độ kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

Dù vậy, nhiều việc thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước như quyền tham dự các phiên họp của UB Thường vụ Quốc hội, quyền triệu tập Chính phủ họp vẫn chưa được thực hiện suốt thời gian qua để góp phần kiểm soát quyền lực nhà nước giữa các cơ quan.

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Đoàn Nam Định) bày tỏ quan điểm, trong cả nhiệm kỳ Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước khi đi làm việc ở địa phương đều thể hiện là người căm ghét những kẻ tham nhũng, thái độ kiên quyết chống tham nhũng. Nhưng đại biểu này cũng băn khoăn, không biết Chủ tịch nước đứng ở đâu, làm gì trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng và làm được gì để chống được tham nhũng?

Bên cạnh đó, nhìn tổng thể, đại biểu Nguyễn Anh Sơn cho rằng, nhiều mặt hoạt động của Chủ tịch nước chưa thể hiện rõ quyền lực của người đứng đầu Nhà nước trong đối nội, đối ngoại, như tư cách thống lĩnh quân đội, Chủ tịch Hội đồng an ninh chưa rõ…

Chuyên đề