Chống kẹt xe: Sẽ có những biện pháp "không mềm lòng"

Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông thành phố, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành có ngay những biện pháp mạnh nhằm hạn tình trạng kẹt xe hiện nay.
Hệ thống giao thông của TPHCM đang bị quá tải vì lượng phương tiện quá lớn - Ảnh: VGP
Hệ thống giao thông của TPHCM đang bị quá tải vì lượng phương tiện quá lớn - Ảnh: VGP

Taxi, xe tải ùn ùn ra đường

Số liệu từ Ban an toàn giao thông TPHCM cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình trạng ùn tắc giao thông so với cùng kỳ năm 2016 không tăng - giảm, nhưng lại diễn ra bất thường, rất khó kiểm soát.

Hiện thành phố vẫn còn 37 "điểm đen" về nguy cơ ùn tắc giao thông. Ghi nhận 25 điểm có tình hình chuyển biến tốt, 2 điểm ít chuyển biến và còn tới 10 điểm tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp.

Theo Trung tá Huỳnh Trung Phong - Trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an TPHCM (PC67) nguyên nhân là vì hệ thống giao thông thành phố đang phải chịu áp lực khủng khiếp từ số lượng phương tiện quá lớn.

Theo đó, trung bình mỗi tháng thành phố tiếp nhận 30.000 phương tiện giao thông đăng ký mới. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, xe ô tô tải đăng ký mới tăng rất cao. Phòng PC67 hiện đang quản lý tới hơn 210.000 xe tải trên toàn thành phố. Chỉ sau khoảng 2 năm rưỡi, số xe tải đăng ký mới lên tới hơn 49.500 xe, bằng 1/4 số xe tải mà thành phố có từ trước đến giờ.

"Nếu như trước đây, ùn tắc thường chỉ xảy ra vào khung giờ cao điểm buổi sáng hoặc buổi chiều, thì hiện nay ùn tắc lại tập trung vào giờ trưa. Bởi thành phố đang thực hiện cơ chế cấm xe lưu thông theo giờ nên xe tải phải xếp hàng chờ. Đến khoảng 8 giờ sáng, khi "xả" giờ cao điểm thì các xe tải đồng loạt đi vào thành phố. Tới khung giờ trưa thì trên các tuyến đường của thành phố dày đặc xe tải", ông Huỳnh Trung Phong cho biết.

Cũng theo ông Huỳnh Trung Phong, đối tượng thứ 2 góp phần khiến cho tình hình ùn tắc giao thông diễn biến bất thường chính là các xe chạy taxi cho Uber và Grab: "Trước đây lượng xe này nằm ở trong nhà, trong kho bãi thì nay lại ùn un ra đường, lưu thông thường xuyên, không đậu thì di chuyển, tăng áp lực rất lớn cho hệ thống giao thông của thành phố".

Về tổ chức giao thông, đại diện PC67 cho rằng, khi tiến hành xây cầu vượt để cải tiến hệ thống giao thông của thành phố đã không tính toán hết được về mặt bằng toàn diện. Một cầu vượt thông suốt vô hình dung lại tạo ra một nút giao cắt và nút thắt cổ chai.

"Ví dụ tại vòng xoay Lăng Cha Cả. Phương tiện đang lưu thông trên đường Trường Sơn rất rộng, ồ về tới vòng xoay thì không đủ mặt bằng để rẽ trái sang đường Hoàng Văn Thụ, khiến ùn ngay tại vòng xoay. Cộng với phương tiện từ đường Trường Chinh, Cộng Hòa đổ xuống thì không cách nào để khắc phục ùn tắc được", ông Huỳnh Trung Phong miêu tả.

Và yếu tố cực kỳ quan trọng khiến tình hình giao thông có chuyển biến xấu chính là thái độ của người tham gia giao thông. Sự bức bối của người dân khi tham gia giao thông đã hình thành nhiều hành vi, thói quen tiêu cực như sẵn sàng đi ngược chiều, bất chấp tất cả để giành đường mỗi khi có ùn tắc. Thậm chí, có một số vụ ùn tắc xảy ra chỉ đơn giản là do người dân lấn đường.

Không cấp phép xây cao ốc nếu hạ tầng không đảm bảo

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhận định, song song với nỗ lực mở rộng hệ thống giao thông thành phố thì số lượng phương tiện đăng ký mới cũng gia tăng quá nhanh.

"Trung bình mỗi ngày thành phố có khoảng 1.000 phương tiện đăng ký mới. Hiện thành phố đã có khoảng 7,5 triệu xe máy, 700.000 xe ô tô. Các dự án giao thông đường bộ mở ra không thể theo kịp lượng phương tiện quá lớn này nên ùn tắc thường xuyên xảy ra dù không phải vào giờ cao điểm", ông Phong cho biết.

Để hạn chế kẹt xe vào giờ trưa , Chủ tịch UBND TPHCM đồng ý với đề xuất cấm xe tải loại vừa và nhỏ chạy trong thành phố vào ban ngày, mà chỉ được lưu thông vào ban đêm. Sở Giao thông vận tải TPHCM được giao điều chỉnh quy định cho phép xe tải vào "đường cấm, giờ cấm" này.

Giám đốc Sở Giao thông vận tài TPHCM Bùi Xuân Cường báo cáo: "Buổi trưa xe tải dưới 5 tấn chạy trong thành phố rất nhiều bởi còn nhiều cơ sở sản xuất nhỏ nằm sâu trong nội thành, cộng thêm nhu cầu dịch vụ vận chuyển cao. Cấm xe tải chạy vào ban ngày chắc chắn sẽ gây khó khăn cho vận tải hàng hóa. Sở sẽ nghiên cứu thí điểm cấm tại một số hành lang giao thông hay xảy ra ùn tắc trước khi triển khai đại trà".

Một trong những biện pháp cứng rắn khác của TPHCM để kéo giảm tình trạng ùn tắc đó là không cấp phép xây dựng cho các cao ốc, công trình tập trung đông người trên các trục đường chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống giao thông.

Ông Nguyễn Thành Phong phân tích: "Khi quyết định cấp phép cho một dự án phải cân nhắc thật kỹ bởi một cao ốc sẽ làm tăng dân số, tác động rất mạnh đến hạ tầng giao thông. Nếu thấy nguy cơ gây ùn tắc, nhất định không cấp phép, không mềm lòng".

Từ nay đến cuối năm 2017, Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo các cơ quan, ban ngành cần tăng cường phối hợp hơn nữa để phân luồng, điều tiết tại nút giao thông thường xuyên tập trung đông phương tiện, nghiên cứu phương án giải cứu 37 "điểm đen" ùn tắc.

Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh vai trò của thanh thiếu niên trong việc nâng cao văn hoá tham gia giao thông của người dân thành phố. Theo ông Phong: "Phải tuyên tuyền để thanh niên tự ý thức chấp hành, sau đó các bạn trẻ sẽ tác động đến người thân, gia đình cùng tuân thủ luật giao thông"

Đặc biệt, người đứng đầu TPHCM khẳng định, thành phố sẽ nghiên cứu lập đề án bố trí, sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca để giảm bớt lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm, góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn.

Chuyên đề