“Chông gai” cải thiện môi trường kinh doanh

(BĐT) - Hai năm gần đây, môi trường kinh doanh của nước ta liên tục được cải thiện nhưng mức độ quyết liệt, cải cách thực chất chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương. Tình trạng “trên nóng dưới lạnh” vẫn còn phổ biến.
Xuất hiện tình trạng một số quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền phức hơn cho doanh nghiệp khi thông quan qua biên giới. Ảnh: Lê Tiên
Xuất hiện tình trạng một số quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền phức hơn cho doanh nghiệp khi thông quan qua biên giới. Ảnh: Lê Tiên

Đặc biệt, theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, “sức ì của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn” đòi hỏi các cấp, các ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP.

Có sự cải thiện nhưng “sức ì” còn lớn

Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) về tình hình thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong nửa đầu năm 2018 cho thấy, so với năm trước, mức độ quan tâm của các bộ, ngành và địa phương đã có nhiều cải thiện.

Tính đến ngày 26/6, Bộ KH&ĐT nhận được Kế hoạch hành động của 21 bộ, cơ quan và 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về triển khai Nghị quyết số 19. Nhìn chung, kế hoạch hành động của hầu hết các bộ bám sát mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết. Một số bộ, cơ quan như: Tài chính, KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ… có kế hoạch hành động khá chi tiết, cụ thể, từ đó có thể đánh giá được kết quả và mức độ thực hiện. “So với các năm trước, năm nay, các bộ, cơ quan ban hành kế hoạch hành động kịp thời và đầy đủ hơn”, Báo cáo nhận xét.

Về phía địa phương, Báo cáo đánh giá, nhìn chung chất lượng kế hoạch hành động của các tỉnh, thành phố có sự cải thiện nhiều so với trước. Bên cạnh các địa phương luôn đi đầu trong thực hiện Nghị quyết như Quảng Ninh, Đồng Tháp..., một số địa phương khác như Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Thanh Hóa… cũng sớm ban hành kế hoạch hành động ngay khi Nghị quyết được thông qua. Đáng chú ý là những địa phương (như Quảng Bình, Cao Bằng…) trước đây chưa coi trọng việc cải thiện môi trường kinh doanh, trong đó có việc thực thi Nghị quyết 19, thì năm nay đã có sự thay đổi tích cực, chủ động và coi trọng việc thực thi Nghị quyết.

Bên cạnh sự chủ động, tích cực của một số bộ, ngành, địa phương, trong phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, sức ì của cải cách đã xuất hiện và ngày càng lớn. Về vấn đề này, Báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu rõ: “Tuy đã sang năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết 19, nhưng một số địa phương vẫn chưa hiểu rõ, đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cũng như cách tiếp cận của các chỉ tiêu theo thông lệ quốc tế”. Vì thế, đến nay, Bộ KH&ĐT chưa nhận được chương trình, kế hoạch hành động của 32 địa phương.

Đối với cải cách quy định về điều kiện kinh doanh, tính đến hết quý II/2018, có 738 trong số hơn 5.700 điều kiện kinh doanh được thực sự bãi bỏ và sửa đổi hoặc đơn giản hoá, bằng khoảng 13% kế hoạch. “Trung bình số điều kiện kinh doanh được đề xuất cắt bỏ, sửa đổi chiếm 54%, trong đó số điều kiện kinh doanh đề xuất cắt bỏ đạt 36%. Nếu những bộ, ngành này không đẩy nhanh tiến độ thực hiện thì khả năng hoàn thành mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh năm 2018 là rất ít”, Bộ KH&ĐT cảnh báo.

Đối với việc thực hiện các yêu cầu về cải cách quy định và thủ tục thông quan qua biên giới, xuất hiện tình trạng một số quy định tại các văn bản sửa đổi, bổ sung thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền phức hơn cho doanh nghiệp… Những kết quả về rà soát, đề xuất cắt giảm danh mục hàng hoá kiểm tra chuyên ngành dù có một số chuyển biến trong quý II/2018 nhưng chưa đồng đều, chỉ tập trung ở một số ít bộ. 

Chốt thời hạn hoàn thành cắt giảm rào cản

Cho rằng “không thể để tình trạng cán bộ, công chức trong hệ thống các cơ quan công quyền không làm cũng không sao, làm việc không tốt cũng không sao”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không thể dung túng cho sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm, thiếu sự nỗ lực của cán bộ làm cản trở mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh.

Hơn nữa, theo Bộ KH&ĐT, từ nay đến thời hạn các bộ phải ban hành nghị định sửa đổi các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh (ngày 31/10/2018) còn có 4 tháng, nhưng đến nay, ngoài Bộ Công Thương đã có Nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh, mới có Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ dự thảo nghị định. Hầu hết các bộ khác đang xây dựng phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh và chuẩn bị dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung điều kiện kinh doanh. Thậm chí có thông tin đến hết tháng 5/2018, Bộ Thông tin và Truyền thông chưa thực hiện rà soát, đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Để đạt mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà Nghị quyết 19 đặt ra, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Chính phủ một loạt giải pháp. Đó là yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sát sao việc thực hiện Nghị quyết 19, coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Yêu cầu các bộ khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ trình Chính phủ trước 15/8/2018 để bảo đảm thời hạn ban hành các nghị định trước 31/10/2018…

Đối với cảnh báo có một số “điều kiện kinh doanh trá hình”, Thủ tướng đề nghị tiếp tục hủy bỏ những điều kiện kinh doanh vô lý, không cần thiết với tiến độ nhanh hơn, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện những điều kiện kinh doanh mới, núp bóng ở những thể chế, chính sách pháp luật mới ban hành, nhất là từ cấp bộ.

Chuyên đề