Chính phủ quyết tâm kiểm soát lạm phát

(BĐT) - Xác định mục tiêu hàng đầu là ổn định kinh tế vĩ mô, tạo nền tảng phát triển bền vững, bảo đảm đời sống người dân, Chính phủ kiên định, quyết tâm giữ mục tiêu kiểm soát lạm phát.   
Thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ dự báo sẽ có diễn biến khó lường. Ảnh: Tường Lâm
Thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ dự báo sẽ có diễn biến khó lường. Ảnh: Tường Lâm

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Nếu chỉ lo tăng trưởng mà không lo lạm phát thì không ổn định, nhất là đời sống công nhân, nông dân”.

Chủ động nhận diện sức ép lên lạm phát

Ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận diện rất rõ một trong những thách thức lớn của nền kinh tế Việt Nam năm nay là xuất hiện nhiều sức ép mới lên lạm phát. Việc kìm giữ lạm phát theo mục tiêu đã đề ra là dưới 4% đã sớm được Chính phủ đặt quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt, chủ động phân tích sớm các tác động từ diễn biến giá cả, thị trường thế giới, đưa ra các giải pháp điều hành kịp thời. 

Trong Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2018 vừa diễn ra trong hai ngày qua, dù lạm phát được kiểm soát, giảm nhẹ trong tháng 7 sau hai tháng liên tiếp tăng cao, Thủ tướng Chính phủ vẫn nhấn mạnh sức ép lạm phát đang tiếp tục hiện hữu. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho thấy, giá dầu thô tiếp tục tăng cao, bình quân 7 tháng khoảng 74 USD/thùng, tăng 37% so với cùng kỳ 2017, kéo theo giá cả hàng hóa cơ bản trên thị trường thế giới tăng cao; thị trường ngoại hối và tỷ giá ngoại tệ dự kiến sẽ có diễn biến khó lường do những phản ứng điều chỉnh của Trung Quốc trong căng thẳng thương mại với Mỹ cũng như việc đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED).

Thủ tướng đề nghị Tổ điều hành kinh tế vĩ mô gồm Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Công Thương phối hợp điều hành, ứng phó với thách thức.

Tại Cuộc họp báo Chính phủ diễn ra sau Phiên họp, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu bám sát các nghị quyết từ đầu năm, đặc biệt là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để bảo đảm tăng trưởng bền vững. “Chính phủ nhất quán kiên định, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát không được vượt quá mục tiêu 4%, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Chính phủ quyết tâm bằng được và chắc chắn làm được”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin.

Cùng với kiểm soát lạm phát, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, thời gian tới, Chính phủ cũng sẽ tiếp tục chú trọng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, tăng năng suất lao động, cải cách doanh nghiệp nhà nước, quan tâm doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công… Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng, đất đai, giảm các loại phí, chi phí logistics.

Chính sách điều hành đang đi đúng hướng

Thủ tướng Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội có chuyển biến tích cực, kết quả tháng 7 khả quan hơn, tốt hơn tháng 6. Lạm phát được kiểm soát. Các khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tăng trưởng tốt.

Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7 tăng mạnh 14,3% so với cùng kỳ 2017, mức tăng cao nhất từ đầu tháng 2/2018 đến nay. Khu vực kinh tế tư nhân cải thiện tích cực, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới 7 tháng đạt 75.793 doanh nghiệp (tăng 3,9% so với cùng kỳ 2017). Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động 7 tháng là 18.696 doanh nghiệp (tăng 6,5% so với cùng kỳ 2017).

Tại Cuộc họp báo, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết thêm, các tổ chức quốc tế cũng ghi nhận nỗ lực cải cách và đánh giá cao triển vọng kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ở mức 7,1%; Standard Chartered dự báo tăng 7%, lạm phát quanh mốc 4%. Ban Thư ký Liên hợp quốc công bố Chỉ số phát triển bền vững năm 2018 (SDG Index 2018) của Việt Nam tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN, sau Singapore và Malaysia). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII Index 2018), Việt Nam tăng 2 bậc, xếp hạng 45/124 quốc gia và vùng lãnh thổ (đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan). Theo đánh giá mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics (LPI) của Việt Nam năm 2018 đã tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 quốc gia được khảo sát.

Trao đổi về kết quả điều hành của Chính phủ đến thời điểm này, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá nền kinh tế đang vận hành theo đúng mong muốn, các chỉ tiêu ổn định vĩ mô có thể đạt được.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cũng cho rằng, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc nổ ra, kết quả điều hành của Chính phủ để kinh tế tăng trưởng cao và ổn định là rất đáng ghi nhận.

Theo ông Hoàng Văn Cường, tốc độ tăng trưởng GDP năm nay sẽ đạt được theo mục tiêu, thậm chí nhiều dự báo vượt mục tiêu cũng là có cơ sở. Tăng trưởng trong 2 quý vừa qua là rất bền vững, không phải do yếu tố đột biến nào cả, vì thế 2 quý còn lại sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt.

Về lạm phát, theo số liệu của Bộ KH&ĐT, CPI bình quân tăng khoảng 3,45%, nhưng lạm phát cơ bản bình quân tăng khoảng 1,36% so với cùng kỳ 2017. Ông Cường cho rằng, dù tốc độ tăng giá cao, nhưng lạm phát cơ bản vẫn ở mức hợp lý, thể hiện kinh tế vĩ mô ổn định, chứ không phải tăng trưởng nóng do tăng cung tiền. “Nếu cả năm nay giữ lạm phát cơ bản tăng ở mức 2 - 2,5% là tốt, tăng trưởng kinh tế đạt được là tăng trưởng thực”, ông Cường nhận định.

Chuyên đề