Chính phủ cam kết sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho TP.HCM

(BĐT) - Các đề xuất, kiến nghị của TP.HCM đưa ra trong buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo Thành phố ngày 23/6/2017 được đánh giá là hết sức cần thiết và cấp bách.
Chính phủ cam kết sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc cho TP.HCM

Xin tháo gỡ các khó khăn về việc tạm dừng bán tài sản trên đất

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, qua rà soát tình hình thực tế trong thời gian triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 342 ngày 7/3/2017 về việc tạm dừng thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg cho thấy, đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc cho Thành phố.

Để tránh việc phải xử lý khiếu nại phát sinh do chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính so với thời hạn nộp tiền theo quy định, đồng thời sớm hoàn tất việc thanh toán chi phí và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức, cá nhân đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Thủ tướng Chính phủ cần sớm giải quyết nhiều vấn đề liên quan cho “nút thắt” này.

Cụ thể, đối với các trường hợp người mua đã hoàn tất việc nộp tiền mua nhà, đất trước ngày 7/3/2017, cần chấp thuận cho Thành phố tiếp tục thực hiện xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính, thanh toán các chi phí có liên quan và cấp GCNQSDĐ, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013.

Đối với các trường hợp đã tổ chức đấu giá thành công mà người mua đã và đang thanh toán tiền mua nhà đất sau ngày 7/3/2017, cần chấp thuận cho Thành phố thực hiện các thủ tục, nội dung công việc liên quan công tác mua bán tài sản nhà nước để cấp GCNQSDĐ, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Riêng đối với các trường hợp còn lại, cho Thành phố tạm dừng các thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, để chờ ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Ngoài những kiến nghị trên, UBND Thành phố còn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Thành phố được chủ động sử dụng các địa chỉ nhà đất để thanh toán cho các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (BT). Theo UBND Thành phố, nhà đất được thu hồi (do dôi dư, sử dụng sai mục đích) sẽ bán đấu giá thu tiền nộp vào ngân sách Thành phố để tạo vốn đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện bán đấu giá các cơ sở nhà, đất đã tạm dừng theo Công văn số 342/TTg-V.I ngày 7/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ quy định Quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng các công trình theo hình thức Xây dựng - Chuyển giao (gọi tắt là dự án BT) chưa có quy định việc sử dụng các cơ sở nhà, đất được thu hồi bán đấu giá theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg. Vì vậy, để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ đàm phán, triển khai các dự án đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng theo hình thức BT, UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Thành phố được chủ động sử dụng các địa chỉ nhà đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg để thanh toán cho nhà đầu tư.

2 dự án trọng điểm của Thành phố đói vốn ODA trầm trọng

Vẫn theo ông Lê Thanh Liêm, hiện nay nhu cầu vốn ODA nguồn ngân sách Trung ương cấp phát giai đoạn 2016-2020 của 2 dự án trọng điểm của Thành phố là 29.512 tỷ đồng, trong đó Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên là 20.930 tỷ đồng, Dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 là 8.582 tỷ đồng.

Mặc dù UBND TP.HCM đã 3 lần kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bố trí đủ vốn cho các dự án trên, tuy nhiên số vốn bố trí 11.517 tỷ đồng cho 2 dự án, chỉ đáp ứng được 39% tổng nhu cầu vốn ODA của Thành phố. Trong đó, Dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 là 7.500 tỷ đồng, Dự án Cải thiện môi trường nước Thành phố giai đoạn 2 là 4.017 tỷ đồng. Với số vốn trên, Thành phố rất khó hoàn thành tiến độ 2 dự án nêu trên đúng thời gian quy định.

Hiện nay, khối lượng thi công các dự án đang đúng tiến độ cam kết nhưng không đủ vốn để bố trí; các nhà thầu thi công nhiều lần đề nghị thanh toán kịp thời nếu không sẽ ngưng thi công, ảnh hưởng đến tiến độ công trình. Việc này cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung.

Nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đúng theo các Hiệp định đã cam kết, tránh phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm, đồng thời đưa các dự án hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào sử dụng vào năm 2020, Thành phố kiến nghị Chính phủ xem xét, bố trí đủ vốn cho 2 dự án trên trong giai đoạn 2017 - 2020 (bổ sung thêm 17.995 tỷ đồng).

Tránh những thất thoát về nguồn thu ngân sách cho nhà nước

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng, cuộc họp với Thủ tướng Chính phủ lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi sẽ giải quyết được cơ bản những khó khăn và vướng mắc mà Thành phố đang đối mặt. Trong đó, những bất cập liên quan đến đầu tư công hứa hẹn sẽ được điều chỉnh một cách hợp lý thông qua việc ban hành những quy định sát với thực tế.

“Thành phố sẽ rà soát lại quy hoạch giao thông trên toàn địa bàn Thành phố, đồng thời tập trung nguồn vốn và kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để sớm hoàn chỉnh hạ tầng giao thông. Về nguồn vốn ODA, quan điểm của Thành phố là những dự án nào đang triển khai thì nên ưu tiên bố trí vốn để giải quyết dứt điểm. Đặc biệt, trong trong tháng 8 này Thành phố sẽ trình Chính phủ xem xét về cơ chế đặc thù cho Thành phố”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Liên quan đến việc thực hiện thủ tục bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tại buổi làm việc trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp đã cơ bản đồng ý với những kiến nghị nói trên của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như đại diện các bộ, ngành liên quan lưu ý, Thành phố phải tổ chức thực hiện việc đấu giá một cách công khai và minh bạch để tránh những thất thoát về nguồn thu ngân sách cho nhà nước.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, TP.HCM có một vị trí quan trọng trong quá trình đổi mới. Nếu không có các giải pháp tốt và đồng bộ thì Thành phố sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là nhiều công trình lớn và quan trọng sẽ bị đình trệ. Vì vậy, những kiến nghị của TP.HCM sẽ được Trung ương xem xét cụ thể và phải thực hiện theo đúng trình tự và thẩm quyền. Quan điểm của Chính phủ là sẽ có cơ chế chính sách tốt để  tạo điều kiện để TP.HCM phát triển.

Chuyên đề