Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Lường hết tác động bất lợi

(BĐT) - Dù muốn hay không, cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc, cũng là hai đối tác thương mại lớn hàng đầu của Việt Nam, sẽ có tác động tới nền kinh tế nước ta. 
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đưa đến cả cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam. Ảnh: Tường Lâm
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ đưa đến cả cơ hội và thách thức cho kinh tế Việt Nam. Ảnh: Tường Lâm

Tác động đến kinh tế vĩ mô dù sẽ có độ trễ, nhưng theo một số dự báo, sẽ rõ nét ngay từ cuối năm nay, chậm hơn thì từ đầu năm 2019. Vì thế, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm sau cần phải tính đến yếu tố này, ở cả khía cạnh tích cực và tiêu cực.

Thách thức nhãn tiền

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ 6/7 khi Mỹ chính thức áp mức thuế 25% lên tổng số 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc với giá trị 34 tỷ USD. Theo những tuyên bố từ Nhà Trắng, có khả năng Mỹ sẽ áp thuế thêm 10% lên lượng hàng hóa nhập khẩu có giá trị tới 200 tỷ USD từ Trung Quốc, thậm chí còn lên tới 500 tỷ USD - tức là gần 100% kim ngạch hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ.

Nhiều chuyên gia dự báo chiến tranh thương mại sẽ đưa đến cả cơ hội và thách thức cho Việt Nam. Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, với tình hình như hiện nay, Việt Nam cần phải tính đến những trường hợp xấu nhất và có các biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Có thể Trung Quốc “mượn” Việt Nam làm nguồn xuất xứ cho hàng hoá của nước này xuất sang Mỹ; cũng có thể xảy ra trường hợp ngược lại, hàng từ Mỹ được nhập vào Việt Nam để sau đó xuất đi Trung Quốc, đặc biệt là các mặt hàng về thực phẩm cao cấp, thịt và sản phẩm từ thịt…

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc tỏ ra lo lắng về nguy cơ Việt Nam sẽ nhập siêu trầm trọng hơn từ Trung Quốc, khi hàng hoá nước này khó vào Mỹ và chuyển hướng sang các thị trường khác. Ngoài ra, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc có thể sẽ khó khăn hơn khi một phần hàng hoá Trung Quốc không xuất khẩu được buộc phải tiêu dùng trong nội địa.

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến cho rằng, khi hàng Trung Quốc khó vào thị trường Mỹ, Việt Nam cũng có thể có cơ hội tăng xuất khẩu sang Mỹ với các mặt hàng xuất khẩu cùng loại. Căng thẳng về đầu tư Mỹ - Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và là cú hích để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.

Thế nhưng cơ hội có thể nhìn thấy này, theo một số chuyên gia, là khá mong manh. Tại hội thảo được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển, Trường Đại học Fulbright phân tích, trong 818 dòng sản phẩm mà Trung Quốc chịu thuế trừng phạt đợt này, các mặt hàng tương tự của Việt Nam xuất sang Mỹ năm 2017 chỉ có trị giá 1,2 tỷ USD và 5 tháng đầu năm 2018 cũng chỉ đạt 545 triệu USD. Vì thế, cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng là không đáng kể.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý, Mỹ đang thâm hụt thương mại khá lớn với Việt Nam và với chính sách của Tổng thống Mỹ hiện nay, nếu có thể tranh thủ tăng xuất khẩu vào Mỹ thì cũng không phải là giải pháp an toàn với Việt Nam, thậm chí là lợi bất cập hại.

Thực tế, Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần cho biết ông không hài lòng với việc Mỹ bị thâm hụt thương mại lớn với Việt Nam và Việt Nam nên mua than của Mỹ để cán cân thương mại được cân bằng hơn. Theo truyền thông, quan điểm này ít nhất đã được ông nhắc đến trong chuyến thăm Việt Nam tháng 11 năm trước và tại Hội nghị Hành động Chính trị phe Bảo thủ của Mỹ (CPAC) tháng 2 năm nay. 

Tác động sẽ sớm rõ nét

Theo ông Nguyễn Đức Kiên, tác động tương đối rõ nét từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đến kinh tế Việt Nam có thể sẽ từ cuối năm nay và quý I năm sau. Tác động sẽ lớn, trên nhiều khía cạnh đến nền kinh tế Việt Nam vì Việt Nam là nền kinh tế có độ mở rất cao, Trung Quốc lại là bạn hàng thương mại lớn nhất của Việt Nam và Mỹ là thị trường lớn thứ 5 mà Việt Nam đang xuất siêu.

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, với bối cảnh này, cần tăng nhập hàng Mỹ để cán cân thương mại giữa hai nước theo xu hướng cân bằng hơn. Tuy nhiên, nếu tăng nhập hàng Mỹ thì các doanh nghiệp trong nước phải tăng năng lực để hấp thụ hết được những mặt hàng của nước Mỹ, đặc biệt là mặt hàng công nghệ cao. Để làm được điều này thì hệ thống chính sách, các loại hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn.

Ngoài ra, ông Kiên lưu ý đến việc Trung Quốc đang cung cấp khâu đầu vào quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, vì thế phải xử lý được vấn đề xuất xứ hàng hóa của hàng Trung Quốc vào Việt Nam. Và theo ông Kiên, muốn xử lý được vấn đề này phải nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam, tạo thêm giá trị gia tăng cao trên nền nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc vào, thì nước Mỹ và các nước khác mới công nhận đó là hàng hóa “made in Vietnam”. Nếu chúng ta chỉ gia công thuần túy thì nước Mỹ không chấp nhận.

“Những giải pháp này là bài toán lớn, dài hơi, liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế. Đã đến lúc phải điều chỉnh lại mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế cho phù hợp với bối cảnh mới, với những yếu tố mới xuất hiện”, ông Kiên nhấn mạnh.

Chuyên đề