Chỉ số giá tiêu dùng năm 2016 có thể tăng trên 5%

(BĐT) - Đây là dự báo được bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá thuộc Tổng cục Thống kê đưa ra trong cuộc họp báo Chỉ số giá quý IV và cả năm 2015 diễn ra ngày 24/12.
Lạm phát quá cao sẽ ảnh hướng xấu đến nền kinh tế. Ảnh: LTT
Lạm phát quá cao sẽ ảnh hướng xấu đến nền kinh tế. Ảnh: LTT

Theo xu hướng chung, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức cao thường duy trì trong thời gian dài hơn ở mức thấp, vì vậy sau 2 năm ở mức thấp, rất có thể CPI năm 2016 sẽ tăng cao; nếu Chính phủ không có những biện pháp điều hành tốt thì khả năng CPI sẽ vượt mức dự báo 5%.

CPI có thể tăng trở lại

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, CPI tháng 12/2015 tăng nhẹ ở mức 0,02% so với tháng trước, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này góp phần giúp CPI bình quân năm 2015 chỉ tăng 0,63% so với năm 2014. Như vậy, đây là năm thứ 2 liên tiếp bình quân CPI tăng thấp, và mức tăng của năm 2015 thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% mà Quốc hội đặt ra.

Song, theo bà Vũ Thị Thu Thủy, rất có thể CPI năm 2016 sẽ có nguy cơ tăng cao trở lại do 4 nguyên nhân chính, đó là: việc điều chỉnh giá các nhóm hàng dịch vụ công và hàng thiết yếu như tăng giá hàng dịch vụ giáo dục gây sức ép vào quý I/2016; thứ hai là khả năng tăng giá dịch vụ y tế sắp tới sẽ tác động mạnh đến CPI trong quý I. Tiếp đó, khả năng tăng giá điện trong năm 2016 cũng tác động không nhỏ đến CPI. Cuối cùng là việc tăng lương cơ bản 5% vào thời điểm ngày 1/5/2016 sẽ tác động đến mức tăng CPI cả năm.

Ngược lại, giá dầu thô giảm trong năm 2016 có thể kéo CPI giảm xuống. Sản lượng khai thác dầu thô thế giới đang tăng lên, nhất là có thêm nguồn cung từ Mỹ và Iran nên giá dầu thô còn cơ hội giảm. Ngoài ra giá nông sản năm tới cũng có thể làm giảm CPI.

Lạm phát và tăng trưởng không theo quan hệ tuyến tính

“Về cơ bản, việc theo đuổi mức lạm phát thấp luôn quan trọng với tăng trưởng bền vững”. Đó là khẳng định của bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá khi đánh giá về mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng. Bà Ngọc cho rằng, năm nay, GDP dự kiến có thể đạt trên 6%, cùng với mức tăng CPI ở mức thấp là do sự vận hành, điều tiết của Chính phủ rất hiệu quả, như vậy, không cần phải đánh đổi tăng giá để tăng trưởng vì thực tế cho thấy kinh tế vẫn tăng trưởng dù lạm phát ở mức thấp.

Trên thực tế, sự tăng cao trở lại của CPI luôn tiềm ẩn trong suy nghĩ điều hành của cơ quan quản lý và tâm lý tiêu dùng chung của xã hội. Nên trước những nguy cơ tiềm ẩn trong việc chu kỳ lạm phát thấp sẽ không còn kéo dài lâu, bà Ngọc nhấn mạnh, trong điều hành kinh tế luôn luôn cần kiên định mục tiêu là kiểm soát lạm phát, chứ không nên tính khi lạm phát xảy ra rồi mới kiềm chế. 

Tuy nhiên, thực tế thì lạm phát tăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng, nhưng nếu lạm phát quá cao sẽ ảnh hướng xấu đến nền kinh tế, gây phá vỡ tăng trưởng. Đối với Việt Nam thì việc đặt mức tăng trưởng 5 - 7% sẽ thúc đẩy kinh tế. So với thời điểm năm 2008 thì CPI ở mức tăng cao là 23%, trong khi tăng trưởng thời kỳ đó là 5 - 6%; các năm 2012 - 2013, CPI ở mức 6% thì tăng trưởng vẫn đạt gần 6%. Như vậy, CPI ở mức độ nào đó vẫn thúc đẩy tăng trưởng.

Đánh giá về thực tế năm 2015 lạm phát ở mức thấp, tăng trưởng vẫn đạt cao, đại diện Vụ Thống kê giá lý giải rằng, mức giá tiêu dùng (lương thực, năng lượng) sau khi vượt qua mức rất cao ở thời điểm năm 2011,đang được điều chỉnh dần về mức giá mặt bằng chung; giá xăng dầu cũng được điều chỉnh theo giá thế giới; cùng với việc điều hành giá cả của Chính phủ trong những năm gần đây mang lại hiệu quả rất tích cực (kể từ năm 2011, đầu năm Chính phủ đều có các nghị quyết chỉ đạo điều hành các cấp, địa phương ổn định, bình ổn giá cả trên từng địa bàn, dịp sát Tết đều đưa hàng về các vùng nông thôn để giữ bình ổn giá cả)…

Riêng trong tăng trưởng của khu vực FDI đã có đóng góp 60 - 70% cho tăng trưởng qua xuất khẩu trong khi lại không phụ thuộc vào tín dụng trong nước, không tạo lưu thông tiền tệ trên thị trường. Như vậy, khu vực này không tác động đến CPI nhưng lại đóng góp cho tăng trưởng cũng là một trong những nguyên nhân lý giải việc CPI tăng thấp và tăng trưởng vẫn cao. Tuy nhiên, vẫn cần khẳng định rằng, lạm phát thấp luôn là quan trọng với tăng trưởng bền vững.    

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, mối quan hệ giữa lạm phát và tăng trưởng tại Việt Nam hiện nay không theo quan hệ tuyến tính (tức là không có lạm phát cao thì mới tăng trưởng cao). Khi nghiên cứu nhiều nền kinh tế cho thấy, ngưỡng lạm phát của các nước phát triển (đặt ra khoảng 12%), đối với các nước đang phát triển (đặt ra là ngưỡng dưới 7 - 8%) là sẽ phù hợp cho tăng trưởng kinh tế, và như vậy, thì mức lạm phát ở 0,63% vẫn là một mức tốt. Chất lượng của tăng trưởng phụ thuộc vào phát triển kinh tế vĩ mô chứ không chỉ phụ thuộc vào mức tăng của CPI.

Chuyên đề