Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 12/2017

Tăng lương tối thiểu vùng đối với lao động hợp đồng; chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ; chấn chỉnh công tác đấu thầu; đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết và Lễ hội xuân 2018... là những thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tháng 12/2017.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tăng lương tối thiểu vùng đối với lao động hợp đồng

Ngày 7/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2017/NĐ-CPquy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Theo đó, từ ngày 1/1/2018, sẽ áp dụng mức lương tối thiểu vùng từ 2.760.000 đến 3.980.000 đồng/tháng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Nam Định

Chính phủ ban hành Nghị quyết 135/NQ-CP ngày 26/12/2017 điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) tỉnh Nam Định.

Theo quy hoạch, đến năm 2020 tỉnh Nam Định có 107.655 ha đất nông nghiệp, chiếm 64,03% diện tích đất toàn tỉnh. Trong đó, nhiều nhất là đất trồng lúa 65.437,93 ha. Ngoài ra, có 20.940 ha đất nuôi trồng thủy sản; 8.294,38 ha đất trồng cây lâu năm; 550 ha đất làm muối...

Các trường hợp SCIC không được đầu tư

Ngày 25/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 147/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2013/NĐ-CP ngày 1/11/2013 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Trong đó, Nghị định sửa đổi, bổ sung nguyên tắc đầu tư vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước. Cụ thể, các trường hợp Tổng công ty không được đầu tư gồm: Đầu tư, góp vốn, mua cổ phần, mua toàn bộ doanh nghiệp khác mà người quản lý, người đại diện tại doanh nghiệp đó là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên, Tổng Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng của Tổng công ty; góp vốn cùng công ty con để thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Điều lệ tổ chức và hoạt động của SCIC

Chính phủ đã ban hành Nghị định 148/2017/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

Theo quy định, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tổ chức và hoạt động dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật đối với doanh nghiệp và theo Điều lệ này.

Ngành, nghề kinh doanh chính của SCIC là đầu tư và quản lý vốn đầu tư theo nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ; tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, bán vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã tiếp nhận theo quy định hiện hành.

Sửa đổi một số quy định về hoàn thuế VAT

Ngày 15/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 146/2017/NĐ-CPsửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 và Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/2/2015.

Cụ thể, Nghị định số 146/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, doanh nghiệp được hoàn thuế VAT trong trường hợp vừa có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, vừa có hàng hóa, dịch vụ tiêu thụ nội địa nếu sau khi bù trừ với số thuế phải nộp, số thuế VAT đầu vào chưa được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu còn lại từ 300 triệu đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế.

Quy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý

Ngày 15/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 144/2017/NĐ-CPquy định chi tiết một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý về điều kiện khó khăn về tài chính của người được trợ giúp pháp lý; tổ chức và hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; chế độ, chính sách đối với Trợ giúp viên pháp lý và thù lao, bồi dưỡng, chi phí thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý cho người thực hiện trợ giúp pháp lý; thủ tục thanh toán vụ việc trợ giúp pháp lý; thủ tục cấp, thu hồi và cấp lại thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

Quy định bảo vệ công trình hàng hải

Chính phủ ban hành Nghị định 143/2017/NĐ-CP ngày 14/12/2017 quy định về bảo vệ công trình hàng hải tại Việt Nam, bao gồm: Phạm vi bảo vệ công trình hàng hải, xác định phạm vi bảo vệ công trình hàng hải trong một số trường hợp đặc biệt, giám sát việc thực hiện và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong hoạt động bảo vệ công trình hàng hải.

Vi phạm lĩnh vực hàng hải bị phạt tới 100 triệu đồng

Ngày 11/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 142/2017/NĐ-CPquy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Nghị định này quy định mức phạt cảnh cáo, hoặc phạt tiền thấp nhất là 500 nghìn đồng tới cao nhất là 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực hàng hải. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

Ngoài các hình thức xử phạt được quy định trên, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ

Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Nghị định này quy định về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội từ trung ương đến cấp huyện; các đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.

Nghị định quy định rõ, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ sau khi được tuyển dụng phải thực hiện chế độ tập sự trong thời gian ít nhất là 3 tháng và không quá 12 tháng, trừ trường hợp đã có thời gian từ đủ 12 tháng trở lên thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí được tuyển dụng. Trong thời gian tập sự sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ được hưởng 100% mức lương và phụ cấp tăng thêm quy định tại Điều 11 Nghị định này.

Nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức Tổng cục Địa chất và Khoáng sản

Ngày 12/12/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 48/2017/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về địa chất và khoáng sản trong phạm vi cả nước; quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.

Thu dọn công trình, thiết bị phục vụ hoạt động dầu khí

Theo Quyết định số 49/2017/QĐ-TTg ngày 21/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời hạn 9 tháng, kể từ khi khai thác thương mại hoặc 1 năm kể từ ngày đưa công trình dầu khí vào hoạt động, tổ chức, cá nhân phải lập kế hoạch thu dọn công trình dầu khí trình Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

Tổng kết 24 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ thị số 43/CT-TTgngày 4/12/2017 về việc tổng kết 24 năm thực hiện Pháp lệnh Bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (1994 – 2018).

Nội dung tổng kết gồm đánh giá công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với pháp lệnh của các bộ, ngành, địa phương cho cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Pháp lệnh (bao gồm cả Quy chế bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự kèm theo Nghị định 04/NĐ-CP ngày 16/1/1995) theo thẩm quyền, chức trách, nhiệm vụ của từng bộ, ngành và UBND các cấp…

Tiến hành tổng điều tra dân số vào 0 giờ ngày 01/4/2019

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 44/CT-TTg ngày 6/12/2017 về việc chuẩn bị Tổng điều tra dân số và nhà ở vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng phương án; xây dựng và triển khai kế hoạch; tổ chức điều tra thí điểm và điều tra tổng duyệt; tuyển dụng, tập huấn điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên các cấp; chuẩn bị hậu cần. Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông trong những công đoạn chủ yếu của cuộc tổng điều tra. Tất cả công tác chuẩn bị và điều tra tổng duyệt phải kết thúc trong quý IV/2018.

Chấn chỉnh công tác đấu thầu

Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 yêu cầu các cơ quan chức năng chấn chỉnh công tác đấu thầu trong các dự án đầu tư phát triển và hoạt động mua sắm thường xuyên sử dụng vốn nhà nước.

Tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới

Ngày 21/12/2017, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 46/CT-TTg về việc tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới.

Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về dinh dưỡng theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, trong đó tập trung xây dựng các khuyến nghị, phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm tuổi, nhóm đối tượng đặc thù, sử dụng nguồn thực phẩm tại địa phương và phù hợp với khẩu vị theo vùng, miền; tập trung giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi, thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì, dinh dưỡng để dự phòng và điều trị tăng huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, các bệnh không lây nhiễm khác và dinh dưỡng cho người cao tuổi…

Bình ổn giá cả thị trường và bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán

Để chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân đón năm mới 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất đầm ấm, vui tươi, an toàn, tiết kiệm, ngày 27/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 48/CT-TTg tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết và Lễ hội xuân 2018

Thủ tướng Chính phủ có Công điện 1882/CĐ-TTg ngày 8/12/2017 về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội xuân 2018.

Công điện nêu rõ, để đảm bảo trật tự, an toàn giao thông cho nhân dân vui đón dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội xuân 2018, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Giao thông vận tải lập kế hoạch cụ thể và có biện pháp tổ chức vận tải bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; nâng cao chất lượng dịch vụ, niêm yết công khai giá vé theo tuyến, thời gian và loại hình dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng bán vé điện tử; kiểm tra, phát hiện xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải có hành vi chở quá số lượng hành khách, tăng giá vé trái quy định, ép buộc hành khách sử dụng dịch vụ, sang nhượng hành khách trái phép; tạo mọi điều kiện về vận tải để người dân kịp về đón Tết cùng gia đình…

Cổ phần hóa 6 doanh nghiệp

Trong tháng 12/2017, Thủ tướng Chính phủ ký các quyết định phê duyệt cổ phần hóa 6 doanh nghiệp: Quyết định số 2100/QĐ-TTg ngày 27/12/2017 phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 3 (trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam); Quyết định số 2090/QĐ-TTg ngày 26/12/2017 Phê duyệt Phương án cổ phần hóa và chuyển thành công ty cổ phần Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; Quyết định số 2012/QĐ-TTg ngày 13/12/2017 phê duyệt Phương án cơ cấu lại Tổng công ty đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến năm 2020; Quyết định số 1979/QĐ-TTg ngày 8/12/2017 phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Dầu Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); Quyết định số 1978/QĐ-TTg ngày 8/12/2017 phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam); Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 8/12/2017 phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam).

Tăng cường giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho người đang chấp hành hình phạt tù; người bị áp dụng các biện pháp tư pháp hoặc các biện pháp xử lý hành chính, người mới ra tù tái hòa nhập cộng đồng, thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, lang thang cơ nhỡ giai đoạn 2018 – 2021 tại Quyết định số 2045/QĐ-TTgngày 19/12/2017.

Bảo tồn, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích

Tại Quyết định số 2052/QĐ-TTg ngày 19/12/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt chùa Phật Tích, tỉnh Bắc Ninh.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm xác định đặc trưng, giá trị tiêu biểu của di tích và di sản văn hóa phi vật thể gắn với di tích; đề xuất biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, các di vật, bảo vật quốc gia và các di sản văn hóa phi vật thể tại di tích; làm căn cứ pháp lý để lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích gốc và các hạng mục công trình xây dựng mới tại chùa Phật Tích; xây dựng các công trình phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan khuôn viên di tích, các công trình phục vụ du khách.

Phát triển du lịch Cao nguyên đá Đồng Văn

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Khu du lịch quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 tại Quyết định số 2057/QĐ-TTg ngày 21/12/2017. Phấn đấu đến năm 2025, phát triển Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn thành một khu du lịch đặc biệt, đại diện cho tỉnh Hà Giang, với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại; năm 2030, đáp ứng các tiêu chí và được công nhận là Khu du lịch quốc gia.

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH tỉnh Bắc Kạn

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Kạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 2078/QĐ-TTg ngày 22/12/2017.

Bắc Kạn đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 6,5 -6,8%/năm, trong đó: Nông - lâm nghiệp và thủy sản tăng 5 - 5,2%/năm; Công nghiệp - xây dựng tăng 6 - 7%/năm; Dịch vụ tăng 7,2 - 8,0%/năm; thuế sản phẩm tăng 9 - 10%/năm.

Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh

Tại Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 22/12/2017, Thủ tướng phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Quy hoạch này nhằm mục tiêu phát triển vùng TPHCM trở thành một vùng đô thị lớn năng động và bền vững, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Theo quy hoạch, phạm vi vùng TPHCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP và 7 tỉnh lân cận gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Tiền Giang. Tổng diện tích toàn vùng khoảng 30.404 km2.

Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang

Ngày 22/12/2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030 tại Quyết định số 2073/QĐ-TTg với mục tiêu đến năm 2025 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2.000 lượt. Phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 2,0 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 35 nghìn lượt; tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành) năm 2025 đạt trên 600 tỷ đồng và năm 2030 đạt khoảng 1.650 tỷ đồng.

Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn

Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 2072/QĐ-TTg ngày 22/12/2017 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch là từng bước hình thành và phát triển hệ thống cảng cạn nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu, tăng năng lực thông quan hàng hóa của các cảng biển; tổ chức vận chuyển container một cách hợp lý nhằm giảm chi phí vận chuyển, thời gian lưu hàng tại cảng biển, đảm bảo an toàn hàng hóa; góp phần giảm ùn tắc giao thông, đặc biệt ở các đô thị lớn, khu vực có cảng biển lớn.

Chuyên đề