Chậm trễ cắt bỏ 50% điều kiện kinh doanh

(BĐT) - Không phủ nhận những kết quả “đáng nể” trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ thời gian qua.
Cắt giảm điều kiện kinh doanh phải bảo đảm chất lượng, không để phát sinh rào cản mới. Ảnh: Lê Tiên
Cắt giảm điều kiện kinh doanh phải bảo đảm chất lượng, không để phát sinh rào cản mới. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, ý kiến của nhiều đại biểu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết 19-2018/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia (NQ19-2018) diễn ra ngày 24/5 cho rằng, tốc độ cải cách vẫn chậm, điều kiện kinh doanh (ĐKKD), thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn là vấn đề nhức nhối với doanh nghiệp (DN).

Cắt 1 nhưng thêm 10

Bên cạnh một số bộ sốt sắng cắt giảm ĐKKD, xóa bỏ rào cản cho DN như: Công Thương, Xây dựng..., thì tính đến tháng 5/2018, cả nước vẫn còn  nhiều bộ chậm trễ. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), hiện có 5 bộ đã có dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung ĐKKD nhưng chưa trình Chính phủ là: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường. 4 bộ đã rà soát, có phương án nhưng chưa xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung ĐKKD là: Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo. Đặc biệt, còn 4 bộ chưa rà soát hoặc chưa có phương án đơn giản thủ tục hành chính là: Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Lao động Thương binh và Xã hội, Quốc phòng. Riêng Bộ Công an đề nghị giữ nguyên 65 ĐKKD hiện có.

Trước sự “đủng đỉnh” của nhiều bộ, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương lo ngại, các nghị định sửa đổi ĐKKD khó có thể kịp ban hành vào thời điểm 31/10/2018 như yêu cầu của Chính phủ.

Điều đáng nói, theo ông Cung, trong quá trình thực hiện rà soát, cắt giảm các ĐKKD hiện nay, có tình trạng nhiều bộ không có phương án tổng thể mà thực hiện cắt giảm từng trường hợp nên có chuyện “bỏ 1 tăng 10”.

Liên quan đến cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đại diện CIEM cho biết, số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành dù có giảm nhưng vẫn còn rất lớn, thậm chí mở rộng so với quy định của luật; quản lý chuyên  ngành chưa thống nhất giữa các bộ, ngành. Năm 2017, 58% mặt hàng chịu sự kiểm tra chồng chéo giữa các bộ hoặc giữa các đơn vị trong bộ. Tình trạng này đã được phản ánh nhiều lần, nhiều nơi nhưng chưa được giải quyết, trừ an toàn thực phẩm. Ngoài ra, kết nối quản lý chuyên ngành của các bộ với hệ thống một cửa quốc gia còn chưa thực chất. 

Vào cuộc mạnh mẽ

Chỉ còn 5 tháng nữa là đến thời hạn (31/10/2018) ban hành các nghị định sửa đổi nhiều nghị định liên quan đến cắt bỏ, đơn giản hóa hơn 50% số ĐKKD theo yêu cầu của Chính phủ. Ông Cung cho rằng, các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương cần vào cuộc mạnh mẽ và thực hiện nghiêm túc phương châm 10 chữ: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả” mà Thủ tướng nêu ra ngay từ đầu năm để bảo đảm mục tiêu như NQ19-2018 đặt ra. Việc cắt giảm ĐKKD phải bảo đảm chất lượng, không để phát sinh rào cản mới.

Việc đạt được kết quả cắt giảm ĐKKD như Nghị quyết đặt ra sẽ thực sự ý nghĩa trong khi các DN Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Theo ông Lộc, trên thực tế, có tới 60% tổng số DN kinh doanh không có lãi, nhưng vẫn phải chịu những thủ tục hành chính nặng nề, chi phí cao, do đó cần một cách nhìn tổng thể, đồng bộ để thực hiện bằng được yêu cầu giảm chi phí kinh doanh cho DN như mục tiêu NQ19-2018.

Đối với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhiều ý kiến tại Hội nghị cho rằng, ngay trong năm nay và những năm tới, các bộ, ngành phải đẩy nhanh tiến độ. Chấm dứt ngay tình trạng vương vấn, níu kéo cách làm cũ để chuyển sang điện tử, tăng tính minh bạch.

Chuyên đề