Cây bút chính trực tạo ra sức mạnh bảo vệ lẽ phải

(BĐT) - Làm báo là nghề cao quý với những hi sinh thầm lặng mà chỉ có người đủ đam mê mới có thể vượt qua khó khăn, thách thức để sống chết với nghề. Trong thời đại kỹ thuật số, nghề báo đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn có những thứ không hề thay đổi. Đó là lý tưởng của những người dùng ngòi bút làm vũ khí để bảo vệ lẽ phải, công bằng và tiến bộ xã hội. 
Nhà báo phải cung cấp thông tin chính xác nhất cho xã hội để bảo vệ sự thật và công lý, để cho những điều tốt đẹp trong xã hội thắp lên niềm tin vào sự thật, vào chính nghĩa. Ảnh: Lê Tiên
Nhà báo phải cung cấp thông tin chính xác nhất cho xã hội để bảo vệ sự thật và công lý, để cho những điều tốt đẹp trong xã hội thắp lên niềm tin vào sự thật, vào chính nghĩa. Ảnh: Lê Tiên

Nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018), nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã chia sẻ với Báo Đấu thầu về những trăn trở, suy tư của bản thân với nghề báo và người làm báo.

Ông đánh giá thế nào về hoạt động của ngành báo chí trong thời gian qua?

Trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, báo chí Việt Nam đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Báo chí đã làm nổi bật 4 vấn đề. Thứ nhất là tinh thần khởi nghiệp và xây dựng chính phủ kiến tạo được đích thân Thủ tướng Chính phủ khởi xướng và đã lan tỏa mạnh mẽ, làm khởi sắc hoạt động kinh tế đất nước. Thứ hai là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí do Tổng Bí thư phát động mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân. Báo chí luôn ở tuyến đầu và đã có những đóng góp hết sức tích cực, thể hiện phẩm chất dấn thân của các nhà báo. Thứ ba, báo chí đã làm nổi bật những truyền thống tốt đẹp, tinh hoa văn hóa của dân tộc. Thứ tư, báo chí đã góp phần làm sáng đẹp hình ảnh, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Cây bút chính trực tạo ra sức mạnh bảo vệ lẽ phải ảnh 1
Nhà báo Hồ Quang Lợi
Là một cây bút kỳ cựu trong làng báo, ông có lời khuyên nào cho các nhà báo trẻ?

Những ai là nhà báo trẻ? Có thể là những người đang trên ghế nhà trường, trong các trung tâm đào tạo báo chí, tiếp đến là những người ra trường, tìm kiếm công việc tại các cơ quan báo chí và những người công tác tại các cơ quan báo chí trong thời gian dưới 10 năm kể từ khi ra trường. Những người như vậy, nhìn chung tôi coi là nhà báo trẻ. Tôi cũng đã có gần 40 năm làm báo, kinh qua hầu hết các vị trí trong hoạt động báo chí. Tôi nhận thấy quá trình rèn luyện đối với một nhà báo là một quá trình liên tục, từ khi chúng ta còn học tại các trung tâm đào tạo báo chí cho đến khi chúng ta ra trường, bước chân vào nghề, cho đến mãi mãi sau này, đó vẫn là một quá trình rèn luyện, học tập không ngừng. Đây là một quá trình không bao giờ dừng lại, vì thế nhà báo phải có tâm thế vừa làm nghề vừa học, học ở nhà trường, từ sách vở, học ở đồng nghiệp, trong quá trình tác nghiệp.

Cũng phải nói thêm, dù có tinh thông nghiệp vụ đến mấy nhưng nếu không xác định được tâm thế làm nghề một cách trong sáng và đúng mực, chúng ta không bao giờ có thể làm tròn trách nhiệm của người làm báo. Thậm chí, tác hại mà những người tinh thông, lão luyện về nghiệp vụ mà thiếu đạo đức nghề gây ra cho xã hội, cho cơ quan báo chí của mình và đối với chính bản thân mình là rất ghê gớm. Tôi muốn nói rằng, sự chính trực trong làm nghề là vô cùng quan trọng. Cây bút ở trong tay những người chính trực thì mới có sức mạnh làm sáng tỏ sự thật, bảo vệ công lý và lẽ phải. Đạo đức nghề nghiệp là vấn đề cốt lõi, vấn đề sống còn đối với lao động báo chí. Làm báo cũng là một nghề, nên nó cũng gắn liền với nhu cầu mưu sinh của mỗi người. Nhưng bên cạnh mục đích duy trì cuộc sống, tôi nghĩ chúng ta làm nghề là phải có lý tưởng. Xã hội cần thông tin. Hơn ai hết, chúng ta phải cung cấp thông tin chính xác nhất cho xã hội để bảo vệ sự thật, lẽ phải và công lý, để cho những điều tốt đẹp trong xã hội thắp lên niềm tin vào sự thật, vào chính nghĩa. Đó là lý tưởng mà mọi nhà báo chân chính luôn hướng tới. 

Thời gian gần đây, có hiện tượng báo chí, người làm báo bị dẫn dắt bởi mạng xã hội. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Chúng ta phải nhận thức một cách đầy đủ, khách quan về sự tồn tại và phát triển của mạng xã hội. Phải tận dụng được những tiện ích của mạng xã hội đối với báo chí, phải tạo ra sự tương tác. Mạng xã hội là một biển thông tin, có những thông tin tốt nhưng vì tính đa dạng, tính không chịu kiểm soát và tính không chịu trách nhiệm, thông tin trên mạng xã hội khá hỗn tạp và có nhiều thông tin xấu, độc. Nguồn sống của báo chí là thông tin nhưng thông tin phải được gạn lọc, thẩm định. Chúng ta không quay lưng với mạng xã hội, nhưng người làm báo, cũng như các cơ quan báo chí phải hết sức có trách nhiệm. Chúng ta không được để mạng xã hội dẫn dắt báo chí vì khi đó, chúng ta đã đánh mất vai trò của báo chí đối với xã hội, chúng ta tự loại bỏ mình. 

Hiện nay có tình trạng bão hòa thông tin giữa các tờ báo. Theo ông, làm thế nào để tạo nên bản sắc cho một tờ báo?

Tôi nghĩ rằng, bản sắc của một tờ báo trước hết phải gắn chặt với tôn chỉ mục đích, bởi đó là lý do ra đời và tồn tại của tờ báo. Anh phải tìm bản sắc trong tôn chỉ mục đích của tờ báo của mình chứ không phải đâu xa. Báo Đấu thầu là một tờ báo trong hệ thống báo chí kinh tế và trong những năm vừa qua, vị trí và dấu ấn của tờ báo này trong hoạt động kinh tế của đất nước là ngày càng rõ rệt. Nhưng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt trên mặt trận thông tin ngày hôm nay, tồn tại và phát triển là một câu hỏi lớn đối với tất cả các cơ quan báo chí. Tôi nghĩ hướng mà chúng ta cần làm đúng là phải tạo bản sắc, để làm sao cho Báo Đấu thầu không giống tờ báo khác. Tất nhiên, vẫn có sự chồng lấn và giao thoa nhưng bản sắc phải là phần nổi trội. Chính các bạn phải tìm ra và khẳng định bản sắc thông qua chất lượng của các tác phẩm báo chí. Phải làm sao cho độc giả cảm thấy, chỉ có thể tìm thấy vấn đề này, lời giải này trên Báo Đấu thầu. Chỉ có như vậy, các bạn mới có thể phát triển và khẳng định được vị thế trong làng báo. 

Theo ông, làm thế nào để Báo Đấu thầu có thể mở rộng đối tượng độc giả và trở nên hấp dẫn hơn?

Trong thời đại kỹ thuật số, thông tin tràn ngập trên mạng Internet, đã có nhiều người đặt dấu hỏi về sự tồn tại của báo chí. Để khẳng định vị trí không thể thay thế trong đời sống, tôi nghĩ chúng ta không thể không quan tâm đúng mức đến vấn đề tiếp cận, cập nhật những thành quả khoa học công nghệ để xây dựng tòa soạn hội tụ và báo chí đa phương tiện. Tất nhiên, phải tùy theo mức độ và điều kiện của từng tờ báo để xác định lộ trình cho phù hợp nhưng đó là xu hướng tất yếu. Chúng ta cũng phải quan tâm đúng mức đến việc vừa làm nghề, vừa truyền tải thông tin ra xã hội.

Trước đây, các cụ vẫn nói “cơm áo không đùa với khách thơ” nhưng bây giờ có thể nói “cơm áo không đùa với báo chí”, nghĩa là kinh tế cũng là vấn đề trọng yếu khi mà tất cả các cơ quan báo chí đang phải vươn lên để tự chủ về tài chính. Duy trì hoạt động, nuôi sống đội ngũ cán bộ, nhân viên là một cuộc vật lộn hết sức khó khăn với các cơ quan báo chí. Tuy nhiên, tôi cũng thấy nhiều cơ quan đã thành công. Như vậy, trong điều kiện kinh tế thị trường, nhất là khi kinh tế tư nhân đã được khẳng định là động lực quan trọng của nền kinh tế, tôi nghĩ vấn đề tự chủ về tài chính, kinh tế của các cơ quan báo chí cũng cần có cách tiếp cận mới. Đây cũng có thể coi là thách thức, nhưng cũng là cơ hội phát triển của các cơ quan báo chí nói chung, Báo Đấu thầu nói riêng.

Chuyên đề