'Cát tặc' vẫn hoành hành lúc nửa đêm

Sau khi Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh bị đe dọa phải gửi đơn cầu cứu Thủ tướng Chính phủ, tình trạng khai thác cát trái phép những tưởng sẽ lắng xuống. Tuy nhiên, ghi nhận của PV cho thấy, “cát tặc” vẫn hoành hành ở nhiều nơi, nhất là vào ban đêm.
Các tàu thuyền khai thác cát của Cty TNHH My Hương. Ảnh: Đ.H.
Các tàu thuyền khai thác cát của Cty TNHH My Hương. Ảnh: Đ.H.

Tối 20/3, các PV có mặt tại khu vực sông Đuống, đoạn chảy qua xã Đặng Xá, Phù Đổng thuộc huyện Gia Lâm để xác minh. Đứng cách bờ sông Đuống khoảng 500m, chúng tôi đã nghe thấy tiếng tàu thuyền nổ máy ì ầm từ sông vọng lại. Càng gần tới bờ sông, tiếng tàu thuyền nổ máy càng lớn. Và không khó để nhận ra khi trước mắt chúng tôi hiện ra 3 chiếc tàu hút cát cỡ lớn.

Một số người dân sở tại cho biết, từ sau Tết Nguyên đán tới nay, họ thường xuyên bắt gặp tàu thuyền khai thác cát vào ban đêm trên sông Đuống. Càng về khuya càng xuất hiện thêm nhiều tàu thuyền đến “ăn” cát, cứ tàu này “ăn” cát xong lại có tàu khác đến nhận hàng.

Theo tìm hiểu của PV, tại đoạn sông Đuống chảy qua địa bàn xã Đặng Xá trên hiện chỉ có Cty TNHH My Hương được cấp phép nạo vét luồng, tận thu sản phẩm trên sông. Đơn vị này được nạo vét, tận thu trên phạm vi lên tới khoảng 10km. Trong khi đó, ông Trần Văn Thọ, Phó cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa (Bộ GTVT) cho biết, không cấp phép cho bất cứ đơn vị nào hoạt động vào ban đêm (từ 18h hôm trước tới 6h sáng hôm sau). Do đó, mọi hoạt động khai thác cát vào ban đêm trên các sông của Hà Nội đều là khai thác trái phép.

Trước đó, ngày 21/2, Đội Tuần tra kiểm soát số 2, Phòng Cảnh sát Đường thủy phối hợp với Công an huyện Gia Lâm bắt giữ 5 phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Đuống, đoạn chảy qua xã Trung Mầu, huyện Gia Lâm. Vị trí 5 tàu bị bắt cách xã Đặng Xá khoảng 5km và đều nằm trong vùng dự án nạo vét luồng hiện tại của Cty TNHH My Hương. Cách xã Đặng Xá không xa, người dân xã Dương Hà, Gia Lâm cũng cho biết, tình trạng khai thác cát đã diễn ra dọc bờ sông Đuống từ nhiều năm nay, gây nên tình trạng sạt lở đất canh tác của nhiều hộ dân.

Ông Nguyễn Văn Đăng, một người dân xã Dương Hà, nói: “Nhà tôi có hơn 1 sào diện tích đất xâm canh bên bờ sông cho người khác thuê canh tác. Nhiều hôm thấy nhiều tàu hút cát đỗ gần 1 tiếng đồng hồ để hút cát trộm. Thường thì họ hút vào ban đêm nên nhiều hôm chúng tôi không biết. Hiện giờ đất bờ sông đã lở sâu gần 4m đất, cuốn theo bao nhiêu cây cối, hoa màu…”.

Hầu hết là không phép, sai phép

Ông Nguyễn Minh Mười, Phó giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, hiện Sở đã kiểm tra các đơn vị được cấp phép khai thác cát sỏi và nạo vét luồng lạch tại huyện Đông Anh và quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Trước đó, năm 2016, khảo sát của Sở TNMT Hà Nội trên các tuyến sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu đoạn qua TP Hà Nội có 18 khu vực khai thác cát, trong đó có 13 khu vực không phép, sai phép.

Ngoài ra, Hà Nội còn có 200 bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng, riêng tuyến đê hữu Hồng có 112 bãi trong đó Bắc Từ Liêm 32 bãi, Thường Tín 18 bãi, Ba Vì 13, Phú Xuyên 10 bãi, quận Hoàng Mai 16 bãi, thị xã Sơn Tây 13 bãi... Trong số 200 bãi chỉ có 17 bãi được cấp phép.

Chuyên đề