Cảnh báo rủi ro tăng trưởng cao

(BĐT) - Theo Báo cáo Kinh tế Việt Nam quý II/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa công bố, dù tăng trưởng thương mại dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn FDI, nhưng GDP khó đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, mà khả năng cao là dao động ở mức 6% hoặc thấp hơn.
Sản xuất công nghiệp suy giảm khiến tình hình tăng trưởng không được như kỳ vọng. Ảnh: Đức Thanh
Sản xuất công nghiệp suy giảm khiến tình hình tăng trưởng không được như kỳ vọng. Ảnh: Đức Thanh

Thách thức mục tiêu tăng trưởng 6,7%

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, các chuyên gia đã phân tích bối cảnh trong nước và ảnh hưởng của nền kinh tế thế giới trong quý II/2016. Theo đó, một trong những sự kiện nổi bật của kinh tế thế giới quý II/2016 là nước Anh quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu. Quyết định này gây ra nhiều xáo trộn dẫn tới biến động trên các  thị trường khác nhau trong ngắn hạn và có thể tác động tới kinh tế Việt Nam. Mặt khác, giá năng lượng  và các hàng hóa cơ bản đang phục hồi ổn định có thể khiến áp lực lạm phát trong nước thời gian tới sẽ tăng lên.

Đối với tình hình kinh tế trong nước, theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm chỉ đạt 5,52%. Sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, giảm 0,78% so với cùng kỳ năm 2015; công nghiệp chỉ tăng 6,82%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước (tăng 9,66%). Công nghiệp suy giảm khiến tình hình tăng trưởng nửa đầu năm nay không đạt được như vọng, chủ yếu là do ngành khai khoáng giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2015. Hoạt động xuất nhập khẩu chỉ hồi phục nhẹ với mức tăng 5,2% xuất khẩu và 2,2% nhập khẩu. Thâm hụt thương mại giảm nhẹ so với quý I và đạt trạng thái cân bằng.

Dù tăng trưởng thương mại dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng VEPR vẫn tiếp tục khẳng định mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó có thể đạt được.

Hỗ trợ tốt nhất cho khu vực tư nhân

Trước khả năng khó đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng, VEPR khuyến cáo, việc tìm cách thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng cao có thể dẫn tới buông lỏng ổn định vĩ mô. “Nếu bất ổn vĩ mô tái diễn, thì cái giá phải trả sẽ rất đắt”, các chuyên gia nghiên cứu độc lập của VEPR bày tỏ lo ngại.

VEPR đưa ra 4 lý do cho những lo ngại này. Thứ nhất, lạm phát tăng trở lại trong nửa cuối năm là không thể tránh khỏi. Trong khi đó, cung tiền đang có xu hướng được điều chỉnh tăng, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm. Do vậy, VEPR khuyến nghị, các cơ quan hoạch định chính sách cần nhìn trước những rủi ro lạm phát tăng cao để kiểm soát cung tiền ở mức phù hợp. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng 18 - 20% trong năm 2016 có thể tạo nguy cơ khó kiểm soát lạm phát.

Dù tăng trưởng thương mại dần hồi phục cùng với triển vọng tốt trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhưng VEPR vẫn tiếp tục khẳng định mục tiêu tăng trưởng 6,7% là khó có thể đạt được.
Thứ hai, Chính phủ đã có những bước đi đầu tiên trong việc mở rộng không gian cho các doanh nghiệp tư nhân như ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Tuy nhiên, theo VEPR, Nghị quyết này vẫn chưa đủ chi tiết và để đưa Nghị quyết vào cuộc sống thì cần có thời gian và sự phối hợp của các bộ, ngành. VEPR cho rằng, bên cạnh nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ, Chính phủ cần quyết tâm tạo dựng môi trường cạnh tranh thực sự hữu hiệu, thu hẹp khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đây là cách hỗ trợ cho doanh nghiệp tư nhân một cách tốt nhất.

Thứ ba, cơ cấu thu ngân sách đang dần dịch chuyển do một số nguồn thu suy giảm, trong đó có các khoản lợi tức từ DNNN. Tuy nhiên, về dài hạn, theo khuyến nghị của VEPR, Chính phủ cũng như Bộ Tài chính cần giải quyết dứt điểm bài toán giữa những khoản thu ngắn hạn và lợi ích dài hạn. Nhà nước cần quyết đoán hơn nữa trong việc thoái vốn ra khỏi các DNNN quy mô lớn, đặc biệt tại một số ngân hàng thương mại. Việc này có thể giúp bổ sung nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời tạo điều kiện cho các NHTM có đủ nguồn vốn để mở rộng hoạt động.

Thứ tư, các chuyên gia nghiên cứu độc lập cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần kiên định con đường tách vàng và ngoại tệ (USD) ra khỏi lưu thông và đưa vào vận hành theo các nguyên tắc của thị trường tài sản.

Một vấn đề khác không thể không đề cập khi phân tích kinh tế quý II/2016 là vấn đề cá chết tại bờ biển của bốn tỉnh miền Trung. Câu chuyện này cho thấy năng lực và trách nhiệm quản lý quá trình gây ô nhiễm của các cơ quan chức năng ở mức thấp. Nếu không xử lý nghiêm minh và bảo đảm một cơ chế bảo vệ môi trường hữu hiệu, thiệt hại cho xã hội và người dân là rất lớn, đe dọa cuốn trôi những nỗ lực tăng trưởng và ổn định kinh tế - xã hội.

Chuyên đề